CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945: Nguồn cảm hứng vô tận đối với các văn nghệ sỹ nổi tiếng
Ngày lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945, nguồn cảm hứng vô tận với người dân Việt Nam nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng (ảnh tư liệu lịch sử). |
Trong dòng người xuống đường để hòa vào niềm vui ngày chiến thắng tháng Tám lịch sử năm 1945, có cả văn nghệ sỹ nổi tiếng. Quên sao được nhà văn Như Phong, Tô Hoài hăng hái tham gia vào các tổ chức cách mạng, đội tuyên truyền văn hóa cứu quốc… Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước quyết định "xếp bút nghiên" lên đường tranh đấu. Và ca khúc "Lên đàng" của Lưu Hữu Phước như một hồi kèn xung trận, động viên, thúc giục bao lớp lớp thanh niên lên đường tranh đấu để làm nên bản anh hùng ca lừng danh như Bạch Đằng, Chi Lăng năm nào…
Như một nét duyên đã định trước, dường như Tố Hữu sinh ra là để làm thơ và hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 ông là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa ở Huế. Tự hào, vui sướng trong ngày hội, Tố Hữu cất cao lời thơ ngợi ca với cảm xúc dâng trào. Bài thơ "Huế tháng Tám" ra đời trong không khí thiêng liêng trọng đại ấy còn mãi với thời gian, trở thành khúc tráng ca trong lòng người dân xứ Huế.
Chớp lấy thời cơ, cuộc Cách mạng tháng Tám đã nhanh chóng đi đến thắng lợi. Đó là dấu son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc. Cuộc cách mạng có sức hút diệu kỳ, mạnh mẽ và hấp dẫn đối với nhiều nghệ sỹ.
Nhớ mới ngày nào đây thôi ta bắt gặp tiếng thở than hay nỗi buồn của cái tôi cô đơn hoặc đầy cảm xúc ngất ngây trong tình yêu, đưa hồn vào cỏ cây, vũ trụ của những thi sĩ lãng mạn thì giờ đây, trong ngày vui chiến thắng của mùa Thu tháng Tám, cả thế hệ thi nhân ấy đã hân hoan đón chào và hòa vào bài ca độc lập. Thay vào lời than thở buồn thương là niềm vui, niềm xúc động trào dâng bất tận… Họ là Nguyễn Bính, là Bích Khê, Thế Lữ, là Vũ Hoàng Chương, là ông hoàng thơ tình Xuân Diệu… Thoát khỏi nỗi buồn vương vấn, thi sĩ chân quê Nguyễn Bính đã tích cực tham gia cách mạng, theo nhân dân Cần Thơ hô lớn: "Hồ Chí Minh muôn năm. Hồ Chí Minh muôn năm!". Còn nhà thơ Bích Khê lúc này đang bị bệnh vẫn gọi người nhà đem giường ra ngã ba đường để được nhìn và chào lá cờ đỏ. Thế Lữ, tác giả của "Mấy vần thơ trong phong trào Thơ mới" cũng đã chia tay với "những nàng tiên trên chốn bồng lai", trở về và hân hoan đón chào tháng Tám. Theo chân đoàn kịch Anh Vũ, Thế Lữ trở thành soạn giả, đạo diễn, diễn viên của nhiều vở kịch có nội dung yêu nước và cách mạng, đi biểu diễn khắp các tỉnh miền Trung, trong đó có hai vở kịch lịch sử đáng nhớ: Hai Bà Trưng; Quang Trung. Và cũng như Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương - thi sĩ của những "vần thơ say" đã xuống đường đón chào chính quyền mới bằng những vần thơ rạo rực.
Nói đến các nhà thơ lãng mạn, không thể không nhắc đến Xuân Diệu. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Quảng trường Ba Đình Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Trong ngày hội thiêng liêng này, Xuân Diệu xúc động lắng nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính Cách mạng tháng Tám lịch sử đã đem lại cho Xuân Diệu một cuộc sống mới. Ông đón nhận cuộc sống mới với tất cả sự chân thành và niềm vui sướng, Trước kia giữa thành thị, Xuân Diệu cảm thấy mình như con nai lạc trong bóng tối. Bây giờ giữa rừng sâu, ông cảm thấy ấm áp: Nhưng cũng lạ giữa mưa ngàn thác lũ/Bốn bề cây sao chẳng thấy bơ vơ.
Nhà thơ được yêu và được mọi người đáp lại bằng tình yêu đầm ấm. Nguồn cảm hứng mới Ào ào tới như mùa xuân đổ suối lôi cuốn Xuân Diệu nhập cuộc. Niềm vui ấy chắp cánh thêm cho hồn thơ lúc này. Ngọn quốc kỳ và Hội nghị non sông là hai bài tráng ca mà Xuân Diệu viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng! Những ngực nén hít thở ngày độc lập/Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca… (Ngọn Quốc kỳ)
Thoát khỏi nỗi buồn mênh mang ngậm ngùi khi đem "chiếc linh hồn nhỏ mang mang thiên cổ sầu" của mình soi trên sông nước tràng giang, từ năm 1942 Huy Cận tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Nhà thơ đã tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (tháng Tám 1945) và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng. Ngày 29-8, theo phái đoàn chính phủ cách mạng, Huy Cận vào gặp Bảo Đại và dự lễ thoái vị của vị vua cuối cùng triều Nguyễn. Đúng 15 giờ ngày 30-8, vua Bảo Đại thoái vị. Lúc này cầm ấn kiếm của Bảo Đại vừa trao, Huy Cận nói trước đòng bào: "Thưa đồng bào, kiếm của nhà vua rỉ hết rồi". Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huy Cận là Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kể sao cho hết những gương mặt văn nghệ sỹ trong niềm vui của những ngày mùa Thu tháng Tám năm xưa. Cuộc cách mạng ấy là dấu son rực rỡ có sức hút kỳ diệu đối với các văn nghệ sỹ, mãi mãi gọi về, khơi dậy và chắp cánh cho nguồn cảm xúc vô tận, mãnh liệt, thắp lên ngọn lửa niềm tin làm đổi thay cả nhân sinh quan, thế giới quan trong cuộc sống và cả trong từng trang viết.
TRẦN VĂN TOẢN