Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức: Dân đã hài lòng hơn?
(Cadn.com.vn) - Ngày 21-1, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy về cải cách hành chính (CCHC), tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC).
Chỉ thị này với nội dung trọng tâm là tiêu chí “5 xây 3 chống”. Cụ thể 5 xây là: Trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và 3 chống là: Quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Đột phá cải cách hành chính
Hiệu quả đáng kể nhất khi triển khai Chỉ thị 29 chính là công tác CCHC đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các cơ quan đã rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý. Ông Trần Văn Miên- Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng cho biết, trong năm đơn vị đã tiếp nhận hơn 104 ngàn hồ sơ qua 1 cửa và chỉ có 15 hồ sơ trễ hẹn, một tỷ lệ vô cùng thấp. Tuy vậy, dù chỉ 15 hồ sơ trễ thì Cục thuế cũng kiên quyết mổ xẻ nguyên nhân để khắc phục.
Theo ông Miên, hiện trên 95% hồ sơ khai thuế của DN qua mạng internet, đơn vị cũng phối hợp với các ngân hàng tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Việc triển khai áp dụng CNTT này vào hoạt động sẽ tạo tiện ích, minh bạch, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế, bởi lẽ tiếp xúc trực tiếp rất dễ nảy sinh tham nhũng. Ông Miên cho rằng, hiện vẫn còn cán bộ thuế ở cấp phường có thái độ này nọ, gây phiền hà với người nộp thuế, song Cục thuế sẽ kiểm tra thường xuyên, có thông tin sẽ xử lý nghiêm, thậm chí luân chuyển ngay.
Ông Đàm Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cũng cho rằng, việc áp dụng CNTT sẽ tạo tiến trình cải cách TTHC mạnh mẽ, hiệu quả. Tại Liên Chiểu đã mở đường dây nóng, mở chuyên mục 5 xây 3 chống trên web để tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh về thái độ, trách nhiệm của đội ngũ công chức trong thực thi công việc.
Qua hơn 500 ý kiến thu được thì chỉ có 3 ý kiến tỏ ý không hài lòng về thái độ, trách nhiệm của công chức. Từ 3 ý kiến này, lãnh đạo quận cũng quyết tâm làm rõ để chấn chỉnh. “Hiện ở Liên Chiểu đã áp dụng “phường điện tử” cho 3/5 phường với mục đích tạo thuận lợi hơn cho nhân dân, đồng thời tạo tính minh bạch, tiện ích để quản lý, giám sát công việc của đội ngũ công chức hữu hiệu hơn”- ông Hưng nói.
Theo ông Trần Đình Hồng - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 29 đã tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ CBCC. Hầu hết CBCC đều tích cực cải tiến lề lối làm việc, không đùn đẩy, né tránh công việc; tăng cường đi cơ sở, giữ thái độ hòa nhã, lịch thiệp, văn minh khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Hồng cũng cho biết, quy trình, cách thức, thành phần thực hiện hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp. Vẫn còn không ít CBCC thiếu tu dưỡng, vi phạm kỷ luật. Năm 2014 đã xử lý kỷ luật 51 CBCC trong bộ máy công quyền, trong đó hàng chục trường hợp bị cách chức, sa thải, nổi lên ở Ban QL khu Công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường...
Việc áp dụng mô hình “Một cửa điện tử” ở P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giải quyết công việc. |
Thà mất lòng nhau mà được lòng dân
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương, các cơ quan, đơn vị trong TP đã xác định Chỉ thị 29 là nhiệm vụ trọng tâm nhất của mình bởi nó nhắm tới việc CCHC, nâng cao lề lối, đạo đức trong công việc của đội ngũ CBCC. Chính vì thế sau 1 năm triển khai đã tạo những chuyển biến tích cực, nhất là về thủ tục hành chính khi mà hàng ngàn hồ sơ giải quyết cho dân nhanh hơn, gọn hơn, được người dân đánh giá cao.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện Chỉ thị 29 đã kịp thời xử lý những vi phạm, chấn chỉnh những hạn chế trong thi hành công vụ của CBCC. Đơn cử tới cuối năm 2014, TP vẫn xử lý kỷ luật cán bộ tại Ban tái định cư, chuyển hồ sơ qua CQĐT tùy từng mức độ vi phạm để xử lý. Tuy vậy, ông Khương cho rằng việc triển khai Chỉ thị 29 còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn một số sở, ngành đề xuất giải quyết các vấn đề nóng mình phụ trách còn chung chung, chưa quyết liệt xử lý dứt điểm (như đất đai, xây dựng, môi trường) nên hiệu quả chưa cao.
Việc đăng ký thực hiện “5 xây 3 chống” của cá nhân mỗi CBCC cũng trùng lắp, viết dài dòng nhưng theo mẫu chung chứ không xuất phát từ thực tiễn, tính chất công việc của từng người. Ông Khương cho rằng, không cần đăng ký dài dòng, chỉ 1 việc cũng được, nhưng nó phải thiết thực, hiệu quả, còn đăng ký chung chung giống nhau không có tác dụng gì.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nói cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Chỉ thị 29 cho CBCC, phải nêu rõ vì sao triển khai chỉ thị này, nếu thực hiện thành công “5 xây 3 chống” sẽ được gì? Theo Phó Bí thư Thành ủy, cái được nhất là lòng dân. Bởi lẽ CCHC, siết lại kỷ cương CBCC cũng là để phục vụ nhân dân tốt hơn. Chúng ta ngồi đây thà mất lòng nhau còn hơn để mất lòng dân.
Trên tinh thần đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo từng đơn vị, địa phương phải sắp xếp lại bộ máy, đánh giá đúng năng lực của nhân sự, loại bỏ các cá nhân thoái hóa, biến chất. Với cơ cấu bộ máy như hiện nay thì đây đúng là việc khó, cần có thời gian. Thực tế cả nước hiện có gần 13 triệu CBCC chiếm 3,8% dân số, một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Từ nay tới năm 2021 phải giảm 10% CBCC, đây là dịp để cơ cấu lại bộ máy, tăng cường CCHC, tăng chất lượng công chức.
“Ở mình khi phân loại cán bộ lúc nào cũng hơn 95% hoàn thành nhiệm vụ, tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ ít lắm. Vì nó mang tính hình thức nhiều quá, cứ hoàn thành nhiệm vụ hết làm sao mà đưa ra khỏi bộ máy, làm sao mà giảm biên chế?"- Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh nói.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu các ngành, đơn vị phải xác định lại rõ vị trí công việc từng CBCC, đã có ngồi nhầm lớp giờ có cả ngồi nhầm chỗ vì thế việc cải cách, nâng cao chất lượng, hiệu quả của CBCC phải làm quyết liệt, thà cãi nhau đỏ mặt còn hơn lịch sự trong lừa dối. Trong việc này, trách nhiệm của người đứng đầu rất lớn, nếu không gương mẫu, không kiểm tra, không bắt tay vào làm rốt ráo thì rất khó thành công.
Hải Quỳnh