Cái cúi đầu và triết lý kinh doanh từ Tập đoàn Panasonic

Thứ ba, 21/06/2016 09:21

(Cadn.com.vn) - Tại TP Đà Nẵng, trước đông đảo các bạn trẻ đang có khát khao cống hiến, ông Mori Toshihiro, Trưởng Bộ phận chế tạo của Tập đoàn điện tử lừng danh thế giới – Panasonic đã truyền cảm hứng mạnh mẽ về chủ đề khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Gần 3 giờ đồng hồ truyền cảm hứng, kết thúc buổi nói chuyện, ông Mori Toshihiro chốt lại 3 lưu ý nhỏ nhưng sẽ đem lại thành công lớn khi bước vào khởi nghiệp và kinh doanh. Đó là, phải hiểu ý nghĩa của việc làm ăn; đọc được tâm lý của khách hàng và đặc biệt phải biết cúi đầu thấp hơn khách hàng.

Ông Mori Toshihiro kể về những ngày đầu khởi nghiệp và triết lý kinh doanh của Matsushita Konosuke, rất đỗi bình dị: Matsushita Konosuke khởi nghiệp khi cơ thể ốm yếu, 10 tuổi phải bỏ học phụ cha kiếm tiền vì nhà quá nghèo và chưa từng học qua đại học... Vậy nhưng, dù đã qua đời mấy chục năm nay, ở nước Nhật và trên thế giới, người ta vẫn gọi ông là ông Thánh Kinh doanh. Người ta kê ông vào 1 trong 12 người lập ra nước Nhật. Tên của ông không một người Nhật nào là chưa từng nghe qua. Sản phẩm điện tử mang thương hiệu Panasonic của ông có mặt trên toàn thế giới.

Để có cơ ngơi đồ sộ cho thế giới, để trở thành bậc thầy kinh doanh của nước Nhật phồn vinh mà thế giới ngưỡng mộ - ông Mori Toshihiro kể rằng, ông Matsushita Konosuke đã đưa ra những triết lý kinh doanh tại thời điểm mà nước Nhật chưa ai dám đưa ra, như: Công ty tồn tại để làm gì? Công ty sẽ sinh ra lợi nhuận bằng cách nào để từ đây, con người, kỹ thuật, tiền bạc cũng được phát huy. Triết lý kinh doanh được sinh ra từ nguyên lý, nguyên tắc tự nhiên nhưng lại được sinh ra từ gốc xã hội. Hay, triết lý kinh doanh không phải của 1 người đứng đầu mà của tất cả lãnh đạo công ty. Công ty là cơ quan công, tất cả nhân viên của công ty tuyển vào là do ông trời cho để mình nuôi dưỡng, bồi dưỡng, phát huy nên công ty phải có trách nhiệm đối với đội ngũ nhân viên và ngược lại, đội ngũ nhân viên phải có trách nhiệm tạo ra giá trị cho công ty...

“Ở Tập đoàn Panasonic, có 7 điều phải nhớ trong một bữa ăn sáng: Đóng góp sức lực, trí tuệ của bản thân phát triển kinh tế cho xã hội, không phải cho bản thân mình; Công minh chính đại; Tinh thần đoàn kết một lòng; Cạnh tranh, đấu tranh để phát triển. Bên cạnh đó, luôn niềm nở, khiêm tốn, thân thiện và tôn trọng mọi người; Đồng hóa để phù hợp với hoàn cảnh, hòa mình vào môi trường để cống hiến. Cuối cùng là phải biết ơn, cảm ơn những người xung quanh, đặc biệt là khách hàng”- ông Mori Toshihiro chia sẻ.

Lắng nghe thật nhiều ý kiến để có ý kiến hay nhất, đó là cách kinh doanh tập thể. Những ý kiến phát huy càng nhiều thì công ty càng phát triển. Ông cũng đưa ra những mô hình kinh doanh theo kiểu đập nước; kinh doanh theo quy định mỗi người tự chịu trách nhiệm; mỗi ngày sẽ làm mới ý tưởng kinh doanh của mình. “Người làm ăn phải nhớ kinh doanh là việc công, không phải tư lợi cho mình mà là cho mọi người, cho xã hội. Làm việc vì mọi người, sống vì mọi người” – ông Mori Toshihiro nói.

Hà Minh