Cái giá của "nghiện game"
Tình trạng "nghiện game" trong giới trẻ ngày càng nghiêm trọng và gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Nhiều trường hợp suy kiệt sức khỏe, bỏ học, bỏ việc, thậm chí xung đột dẫn đến thương vong do nghiện game.
Bắt giữ hung thủ Nguyễn Hữu Tình, kẻ bắt cóc và gây tử vong cho bé 5 tuổi tại Nghệ An vì nghĩ rằng mình đang thực hiện một nhiệm vụ trong game online. |
Biến dạng nhân cách vì game
ThS tâm lý Nguyễn Thị Huỳnh An, ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải đưa game online vào danh sách phân loại bệnh tật mới.
Ngay ở Việt Nam, có rất nhiều vụ án đau lòng liên quan đến game online như xin tiền chơi game không được thì giết bạn; mâu thuẫn khi chơi game chém bạn học, hay cả một nhóm tổ chức đi cướp để có tiền chơi game. Có lẽ vẫn chưa ai hết bàng hoàng về vụ sự việc nam thanh niên 17 tuổi bắt trói, bỏ đói một em bé 5 tuổi gây tử vong vì nghĩ rằng mình đang thực hiện một nhiệm vụ trong game online tại Nghệ An gần đây. Đây không là hồi chuông "cảnh tỉnh" đầu tiên với hậu quả nghiêm trọng vì nghiện game. Thực tế, không chỉ trong nước, nhiều nước trên thế giới cũng xuất hiện nhiều trường hợp đau lòng tương tự. Nhưng điều đó dường như vẫn không đủ sức để "thức tỉnh" những con "nghiện game".Theo ThS Huỳnh An, các hậu quả từ nghiện game vô cùng nghiêm trọng. Khi chơi game, các bạn sống trong thế giới ảo, không còn phân biệt được đâu là thế giới thực, đâu là thế giới ảo. Dần dần "con nghiện game" tách rời khỏi xã hội bên ngoài, khi rời khỏi game sẽ rơi vào cô đơn, muốn xa lánh với những người xung quanh. Dần dần sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm, tâm thần...
Trong xu thế bùng nổ mạng internet toàn cầu, các trò chơi trực tuyến phát triển với tốc độ chóng mặt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi. Nhiều bạn trẻ không ăn, không ngủ để chơi game khiến cho cuộc sống trong game và đời thường lẫn lộn, dẫn đến các hành vi lệch lạc, phát triển không bình thường về mặt xã hội, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi bạo lực như tự sát, cuồng bạo giết người, cướp của."Game online tác động đến não trạng của người chơi khi những hình ảnh tiêu cực của game luôn nằm trong đầu, có thể dẫn đến biến dạng nhân cách", ThS An nhấn mạnh và cho biết, học sinh chơi game online, kể cả chưa nghiện cũng đã kéo theo rất nhiều ảnh hưởng về học tập, sức khỏe, các mối quan hệ bạn bè, gia đình...
Ảnh hưởng việc học, gây vô sinh
Nhận định về vấn đề trên, Thạc sỹ Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông và Marketing, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Học sinh đang ở trong độ tuổi "vàng" hình thành nhân cách. Hiện hầu hết các em đều được gia đình trang bị điện thoại thông minh để hỗ trợ việc học, nhưng đây cũng là cơ hội cho học sinh cài đặt các phần mềm game trực tuyến.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, rối loạn mà nguyên nhân chủ yếu là do nghiện game. Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân của vấn nạn này không hoàn toàn thuộc về lỗi của người chơi hay các trò chơi mà có trách nhiệm của người lớn, ở đây là cha mẹ và gia đình do thiếu sự quan tâm và không sát sao tới con cái.
Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng trẻ nghiện game online, ông Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) cho biết, nghiện game online có cả những học sinh có thành tích học tập khá giỏi, sinh viên có học bổng du học nước ngoài. Xuất phát điểm ban đầu các em chỉ chơi game từ 1-2 tiếng mỗi ngày, lâu dần trở thành thói quen khó bỏ nên thời gian đã tăng lên cả ngày. Chuyên gia này cũng cảnh báo, game online là cuộc chơi không có điểm dừng. Học sinh chỉ nên chơi game 30 phút/ngày, nếu vượt quá 30 phút sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, rèn luyện bản thân.
Trong khi đó, TS.Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, Trường ĐH An ninh Nhân dân bày tỏ, game online là một "món ăn tinh thần" nhưng nếu không kiểm soát, không làm chủ được sẽ rất nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Người dùng ma túy ngay lập tức gây hậu quả nhưng với game thì không phải, đến thời điểm đã xác định nghiện game gần như không còn đường lùi. Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175 cho biết, nghiện game dẫn đến rất nhiều bệnh. Ngồi chơi game quá lâu, có thể làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến béo phì, cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu lâu dài có thể dẫn đến vô sinh.
Thu Hương