Cái kết nào cho “Chuyện ở Hòa Xuân”? (Kỳ 1: Khi lòng dân đồng thuận...)

Thứ bảy, 20/10/2018 18:00

Hơn 20 năm trước, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh, xuất phát điểm thấp với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Hình ảnh chung của Đà Nẵng lúc bấy giờ là một đô thị nhỏ, được vây quanh bởi những làng quê nghèo khó, những làng chài xơ xác bên sông, quay lưng với biển. Đến nay, Đà Nẵng có chuyển biến lớn lao, diệu kỳ, nổi lên như một “hiện tượng” về phát triển, trở thành niềm tự hào của cả nước với những thành tựu rất đáng ghi nhận. Để có được kết quả ấy, nhiều người cho rằng do “Đà Nẵng có sự đồng thuận lòng dân”...

Hòa Xuân 10 năm trước là vùng trũng, vào mùa mưa trở thành ốc đảo, nước ngập trắng đồng...

ỦNG HỘ “TỚI BỜ, TỚI BẾN”

Lý giải về vấn đề này, trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất để có được Đà Nẵng như hôm nay chính là thành phố đã tạo ra được sức mạnh đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Sự đồng thuận này bắt nguồn từ ý Đảng phù hợp với lòng Dân, giải quyết hài hòa giữa các lợi ích; trong đó biết lấy lợi ích của nhân dân làm căn bản. Một khi nhân dân thấy được tất cả chủ trương của Đảng, việc làm của chính quyền luôn xuất phát từ mục tiêu “Vì một Đà Nẵng phát triển toàn diện và bền vững”, vì lợi ích trước mắt và tương lai lâu dài cho các thế hệ người Đà Nẵng… thì dứt khoát họ sẽ ủng hộ “tới bờ, tới bến”. “Nói cách khác, vấn đề giải quyết hài hòa lợi ích bao giờ cũng là vấn đề cốt lõi cho sự đồng thuận, mà đồng thuận xã hội bao giờ cũng là yếu tố căn bản cho sự phát triển”, ông Hải nhấn mạnh.

Thật vậy, hơn 20 năm qua, các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng thực sự phấn khởi, vui mừng trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đó là kết quả tổng hòa của ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; với tinh thần “biết nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm” của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm, tính tự giác của đông đảo nhân dân thành phố, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng... Tất cả cùng nhau phấn đấu xây dựng vì một thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Có thể thấy, một trong những minh chứng sinh động cụ thể về sự đồng thuận mà theo ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, thì so với quy mô đô thị khoảng 5,6 ngàn ha vào năm 1997, đến nay diện tích đô thị Đà Nẵng được mở rộng tới hơn 20 ngàn ha (gấp 4 lần diện tích cũ). Để góp phần cho công cuộc mở rộng, chỉnh trang đô thị ấy, thành phố cũng đã thực hiện giải tỏa, đền bù và hỗ trợ tái định cư cho khoảng 130 ngàn hộ dân (chiếm gần 1 nửa tổng số hộ trên toàn thành phố) trong trật tự và có kiểm soát. Các khu đô thị mới phát triển về phía Tây - Bắc, Đông - Nam với quy mô hàng ngàn héc-ta, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ...

Nhìn trên bình diện chung, có thể khẳng định kết quả này “chính là sự kết tinh công sức, trí tuệ, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố; là động lực quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố trong thời kỳ mới”.

Hòa Xuân hôm nay là những khu phố thênh thang, nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống người dân đổi thay nhanh chóng.

HÒA XUÂN THAY “ÁO MỚI”

Nói về sự thay đổi bộ mặt đô thị, đời sống dân sinh, có thể lấy khu vực P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) làm một ví dụ điển hình. Nhắc tới Hòa Xuân, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới câu chuyện cách đây 10 năm, khi công cuộc di dời giải tỏa, tái định cư đã làm tiêu tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian, thậm chí có lúc lâm vào thế “bí bách”, thậm chí đối kháng giữa chính quyền và số ít người dân, nhất là ở khu vực Cồn Dầu. Còn hiện tại, tận thấy cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày, ai cũng có thể hiểu được sức mạnh của sự đồng thuận lòng dân, bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước…

Là một trong 12 hộ đầu tiên ở Cồn Dầu thực hiện chủ trương di dời giải tỏa, nhường lại khoảnh ruộng, mảnh vườn cha ông để lại để đến với nơi ở mới, chị Hương (1962) thôn Cồn Dầu cũ, nay trú tổ 69, P. Hòa Xuân không giấu vẻ vui mừng, hạnh phúc trước sự đổi thay kỳ diệu, mà theo như lời chị thì “có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới”. Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, chị dành một góc nhỏ mở hàng tạp hóa, kiếm thêm thu nhập, phần còn lại là không gian sinh hoạt cho cả nhà. Chị bảo, có giải tỏa mới sướng được. “Tôi thường hay đau ốm, chồng tôi cũng không khỏe mạnh, nếu đến tuổi này mà cứ đầu tắt mặt tối, vật lộn với mấy sào ruộng như ngày xưa, dù suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cuối cùng cũng chẳng đủ ăn, đủ mặc. Lỡ có trận ốm, trận lụt, mọi công sức dành dụm cả năm coi như đổ sông đổ biển”, chị Hương hồi tưởng.

Từ lúc chuyển về khu tái định cư, chị Hương đã thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn”.

Ông Danh (1957), trú tổ 68A P.  Hòa Xuân (tổ 20 Cồn Dầu cũ) vui vẻ tiếp chuyện khi chúng tôi đề cập đến bước ngoặt về cuộc chuyển thay của gia đình và người dân quê ông. Kể về cuộc sống trước đây ở thôn Cồn Dầu, ông bảo “lam lũ, vất vả lắm”. Cả năm trời lấm lem bùn đất mà thu nhập lại bấp bênh và không có tích lũy. Lỡ có ốm đau hoặc ma chay cưới hỏi thì lâm cảnh thiếu trước hụt sau. Gia đình ông được đền bù 3 lô đất và một khoản tiền kha khá. Một lô ông chia đều cho các anh chị em, một lô ông để xây nhà ở và lô còn lại xây nhà cho thuê. Ở tuổi 60, không thể đi làm thợ nề hoặc công việc khác nặng nhọc nên ông ở nhà tìm việc làm phù hợp với khả năng của mình, ví như tận dụng các khu đất trống của người dân chưa xây dựng gần nhà, ông trồng thêm chuối, đậu, rau xanh sử dụng. Ông cho biết, đến nơi ở mới, nhà cửa khang trang, đường sá đi lại thuận tiện, mọi sinh hoạt đều tốt hơn trước rất nhiều. Vào mùa mưa bão, không còn lo cảnh chạy lụt, mất mùa nữa.

Tự nhận mình là giáo dân Cồn Dầu “chính hiệu”, anh Đoàn Kim cho biết, khi quyết định chuyển về nơi ở mới, bản thân anh và gia đình cũng phân vân, lo lắng lắm. Mấy mươi đời ông cha bám trụ, anh cũng lớn lên, lấy vợ sinh con trên mảnh đất ấy, bất ngờ rời xa cũng thấy trong lòng chộn rộn. Quan trọng hơn, theo anh, liệu nơi ở mới có an cư lạc nghiệp, làm gì để sống khi đất sản xuất không còn, con cái học hành ra sao… “Phải đối diện với thực tế ấy ai mà không băn khoăn cho được”, anh Kim bộc bạch. Nhưng rồi, chỉ vài năm sau khi về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình anh thay đổi từng ngày, tất nhiên theo chiều tích cực. “Hồi trước, nhà tôi làm  hơn 1 mẫu ruộng, thu nhập mỗi mùa cỡ trên dưới 6 triệu đồng. Từng đó gia sản chia đều cho 7-8 người, thử hỏi đủ ăn là may lắm, mơ gì đến chuyện khấm khá. Đó là chưa kể, nếu mùa màng thất bát, ốm đau bệnh tật, mưa lụt ngập úng…, giật gấu vá vai chứ chẳng chơi. Vấn đề cốt lõi nhất, đó là nơi ở cũ thường lụt lội, ẩm thấp, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn. Vào mùa mưa, cứ mỗi lần đi lễ, cả nhà phải chất nhau lên thuyền mới đến được nhà thờ. Công việc đồng áng cũng phải tạm ngưng. Bất lực, đành bó gối chờ cho qua mùa mưa lũ”..., anh Kim nhớ lại.

“Bây giờ cuộc sống chưa dám nói là dư dả nhưng cơ bản ổn định. Vốn có sẵn nghề mộc nhưng hồi ở nhà cũ, do bám vào ruộng vườn, lại lụt lội quanh năm, hơn nữa người dân ít xây dựng nên nghề mai một dần. Từ khi chuyển về đây, tôi mở lại xưởng mộc. Việc làm cho bản thân thì không nói, có lúc cao điểm tôi phải thuê thêm 6-7 thợ nữa mới đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngay cả việc đi lễ nhà thờ cũng thuận lợi hơn nhiều. Chỉ cần chưa đầy 5 phút chạy xe máy là tới nơi, trời mưa trời gió gì cũng không lo”, anh Kim vui mừng nói. Khi tôi hỏi, anh nghĩ gì về chủ trương di dời giải tỏa của thành phố nói chung, trên địa bàn P. Hòa Xuân nói riêng, anh thật lòng: “Tôi cũng nghe phong thanh, đại ý rằng có một số người tố cáo hay phản ánh không đúng sự thật, thậm chí chống đối lại chủ trương của thành phố, điều đó là không nên”. Theo anh, thời gian đầu thì cũng hơi lúng túng vì đột nhiên rời cuốc rời cày, tay chân còn lóng ngóng khi chuyển qua làm công việc của…người thành phố. Còn bây giờ, thực sự không chỉ bản thân tôi mà hầu hết giáo dân khu vực Cồn Dầu đã tận mắt thấy được, nghe được những gì mà các cấp chính quyền đã thực hiện tại dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân. “Cuộc sống của người dân Hòa Xuân nói chung, giáo dân Cồn Dầu nói riêng đã đổi thay một cách tích cực với việc được đền bù thỏa đáng, được giao đất làm nhà ở mới khang trang, điều kiện sinh sống tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. Cái gì được tôi nói được. Cả mấy ngàn hộ dân chứ riêng gì tôi đâu”, anh Kim khẳng định.

Phóng sự: DOÃN HÙNG - ĐINH NGA

Kỳ tới: “Điểm nghẽn” ở Cồn Dầu