Cải thiện quan hệ lao động trong doanh nghiệp

Thứ sáu, 16/01/2015 09:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-1, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quan hệ lao động năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, mặc dù đã có nhiều cải thiện trong đời sống, việc làm, lương thưởng… nhưng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) một cách bền vững đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan. Trong đó việc phát huy được tiếng nói, vai trò của tổ chức công đoàn tại mỗi DN là yếu tố quan trọng để người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) tìm được tiếng nói chung.

Đầu cầu Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng tham gia Hội nghị.

Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn

Những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại và tổ chức hội nghị NLĐ. Qua đó nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Qua đó đã có những chuyển biến tích cực ở nhiều ngành, địa phương. Các cấp công đoàn luôn chủ động đề xuất quá trình thương lượng và tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể tại DN. Các thỏa ước đã có nhiều nội dung cao hơn quy định của pháp luật, có lợi hơn cho NLĐ như: giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, lương tháng thứ 13, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động... Cạnh đó, công đoàn còn tham gia hiệu quả vào các hội đồng tiền lương, tham gia xét nâng lương, cải tiến năng suất lao động, hội đồng định mức lao động tại DN và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, ban hành thang lương, bảng lương, định mức trả lương, quy chế trả lương, trả thưởng.

Thực hiện lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ, công đoàn đã chủ động đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện việc điều chỉnh tiền lương của DN phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, trên cơ sở tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, công đoàn cũng đã đề xuất điều chỉnh tiền lương theo hướng có lợi cho tập thể lao động. Từ đây, nhiều đơn vị đã bước đầu chú trọng tới việc đưa tiền lương vào nội dung thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại DN. Với vai trò của của mình tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong năm 2014, Tổng Liên đoàn đã thể hiện trách nhiệm cao trước NLĐ, tham gia hiệu quả vào xây dựng chính sách về tiền lương tối thiểu vùng năm 2015. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng cơ bản nguyện vọng của đông đảo NLĐ.

Tranh chấp lao động giảm nhưng vẫn còn phức tạp

Ông Lê Trọng Sang-Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, năm 2014, thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu của Chính phủ, cùng với sự phục hồi của các DN, thu nhập bình quân của NLĐ tiếp tục được cải thiện, đạt khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên chênh lệch lớn về thu nhập giữa các loại lao động trong một DN, giữa các ngành nghề, khu vực kinh tế vẫn là một thực tế tồn tại ở nhiều nơi. Tình trạng nợ lương của NLĐ vẫn diễn ra tại một số địa phương, ngành nghề. Theo thống kê chưa đầy đủ của 22 công đoàn tỉnh, ngành thì số tiền DN nợ lương trên 528 tỷ đồng. Tình hình tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc tập thể đã có chuyển biến tích cực, giảm cả về quy mô, số lượng. Năm 2014, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 287 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, giảm 64 cuộc so với năm 2013, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Có 66,9% số cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại DN có vốn đầu tư nước ngoài, 32,7% số cuộc xảy ra tại các DN ngoài Nhà nước. Các cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra phần lớn tại các DN Hàn Quốc và Đài Loan (chiếm 66,15%). Nguyên nhân chủ yếu là do chủ DN vi phạm quy định pháp luật lao động, nhất là về thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca. Ông Sang cũng cho hay, tình trạng DN nợ hoặc trốn BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ vẫn ở khá phổ biến, có tính chất phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tính đến hết tháng 11-2014, tổng số nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp là 11.115 tỷ đồng, tăng 455,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều chủ DN cố tình không thực hiện đúng quy định của Luật BHXH, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, mức xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe dẫn đến nhiều DN chấp nhận nộp phạt để hưởng lợi từ số tiền trốn đóng BHXH; ảnh hưởng của việc Nhà nước nợ đọng vốn xây dựng cơ bản; việc khởi kiện các DN nợ đọng BHXH kéo dài, còn nhiều vướng mắc, bất cập về thủ tục pháp lý.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, với sự nỗ lực của các cấp công đoàn, trong thời gian qua quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ngày càng được nâng cao. Tuy vậy, tranh chấp lao động vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp đòi hỏi sự chủ động giải quyết từ cơ sở. Ông Tùng cũng lưu ý, trước mắt công đoàn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các DN tập trung chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới. Trong đó, giải quyết thỏa đáng chế độ lương thưởng, hỗ trợ quà Tết, tiền tàu xe cũng như các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân nghèo.

Bảo Nam