Cảm động đám cưới tập thể của công nhân
Ngày 28-7, lần đầu tiên tại cố đô Huế đã diễn ra đám cưới tập thể của 22 cặp đôi, hầu hết là công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
22 cặp đôi tham gia đám cưới tập thể. |
7 giờ 30 ngày 28-7, tại trụ sở LĐLĐ tỉnh TT-Huế ở số 2-Đống Đa, TP Huế, các cô dâu chú rể với áo dài, khăn đóng theo nghi thức đám cưới truyền thống bước lên những chiếc xích lô được trang trí màu xanh. Đoàn xe chở 22 cặp đôi diễu hành đi qua các tuyến đường lớn của TP Huế như: Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, qua cầu Trường Tiền, đường Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuân và sau đó dừng chân ở địa điểm trung tâm tiệc cưới tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh TT-Huế (100-Phạm Văn Đồng, TP.Huế). Suốt chặng đường, ánh mắt của các cô dâu, chú rể ngập tràn hạnh phúc. Trên các đường phố, rất đông người dân, du khách thích thú theo dõi sự kiện lạ lần đầu tiên ở Huế. "Đám cưới tập thể mình gặp ở Sài Gòn khá nhiều nhưng lần này ở Huế, thấy có nhiều điểm rất khác biệt. Các cô dâu chú rể ngồi trên xe xích lô, được chở đi qua nhiều con đường rất dễ thương"- chị Anh Thi, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh bộc bạch. Trong số 22 cặp đôi tham gia cưới tập thể lần này có 50% là công nhân, đều có hoàn cảnh rất khó khăn và đã đăng ký kết hôn. Đáng nói là có nhiều cặp đôi đã đăng ký kết hôn gần 10 năm, có cặp đã 16 năm nhưng do hoàn cảnh nghèo khó nên chưa một lần được khoác áo cô dâu, chú rể.
Cặp đôi lớn tuổi nhất trong đám cưới tập thể lần này là chị Lê Thị Hồng (43 tuổi) và anh Hoàng Hiếu (45 tuổi) đều làm công nhân ở Nhà máy ximăng Lusk đóng tại TX Hương Trà. Do hoàn cảnh nghèo khó, nên chị Hồng mặc cảm và tự nguyện làm mẹ đơn thân, hiện con gái của chị Hồng đã vào đại học. Sau nhiều năm cùng là công nhân trong công ty, biết cảnh ngộ của chị Hồng, anh Hiếu đã cầu hôn chị rồi sau đó đăng ký kết hôn nhưng do hoàn cảnh nghèo khó nên thời gian qua, vợ chồng vẫn chưa làm lễ cưới ra mắt họ hàng, bạn bè. "Từ lâu, tui khao khát được một lần mặc áo cô dâu. Vì quan niệm người Huế mình đã vợ chồng thì phải có lễ cưới, to nhỏ chi cũng được và không ngờ ước mơ của chúng tôi lại thành hiện thực"- chị Hồng xúc động. Anh Lê Văn Trường (35 tuổi) và chị Hoàng Thị Hà (32 tuổi) đến từ H. Thọ Xuân, Thanh Hóa là cặp đôi ngoại tỉnh duy nhất có mặt trong đám cưới tập thể lần này ở TT-Huế. Cả hai vợ chồng đều là công nhân công ty Giã Trân chuyên gia công hàng Kimono Nhật Bản. Anh Trường và chị Hà sống với nhau gần 10 năm và đã có với nhau 1 con trai 8 tuổi. Chị Hà cho biết, vợ chồng chị quen, yêu nhau ở Sài Gòn được 4 năm khi cả hai cùng làm công nhân cho một công ty thì quyết định dọn về ở với nhau mà không cưới hỏi vì lúc đó nghèo quá. Ở trong Nam được mấy năm thì công ty mở chi nhánh ở Huế. Vợ chồng chị Hà xin chuyển về Huế vì mỗi lần về quê đường sá cũng gần hơn và quan trọng nhất là mức sống ở Huế thấp hơn trong Sài Gòn.
Trước ngày tổ chức đám cưới tập thể, LĐLĐ tỉnh TT-Huế tổ chức hội trại công nhân, trong đó có hội thi cắm hoa, làm bánh phu thê. Vì vậy, trong đám cưới này, những giỏ hoa đẹp và những mâm bánh phu thê do chính các công nhân gói là món quà ý nghĩa, điểm tô thêm cho ngày vui của các cặp đôi. Ngoài hỗ trợ 66 bàn tiệc/22 cặp đôi, LĐLĐ tỉnh TT-Huế còn tặng mỗi cặp vợ chồng 1 cặp nhẫn cưới với giá trị 1 chỉ vàng và các chi phí khác như: bánh kem, rượu cưới, áo cưới, trang điểm, phương tiện đưa đón. Chi phí LĐLĐ tỉnh hỗ trợ cho mỗi cặp đôi khoảng 20 triệu đồng... Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh TT-Huế cho biết, việc tổ chức đám cưới tập thể với một số tỉnh, thành trên cả nước là không mới, nhưng LĐLĐ tỉnh mới tổ chức lần đầu nên cũng có những đắn đo, trăn trở. Cái khó ở đây là ở nét văn hóa của người Huế. Nhiều người không dễ dàng ủng hộ một đám cưới tập thể như thế. Hơn nữa, trên địa bàn, công nhân lao động ở các nơi khác đến làm việc rất ít, chủ yếu là lao động tại chỗ nên việc thuyết phục người thân của họ cũng gặp nhiều trở ngại trong định kiến về một đám cưới mang hơi thở "đời sống mới": tiết kiệm, giảm thủ tục và lại tổ chức tập thể... Tuy nhiên, với ý nghĩa thiết thực nhất là tạo điều kiện để các cặp đôi có được lễ cưới trang trọng như họ từng mơ ước, đám cưới tập thể lần đầu tiên tổ chức tại Huế đã thành công ngoài mong đợi, đem lại hạnh phúc thực sự cho những người trong cuộc và sự đồng tình của những người dân được chứng kiến.
H.LAN