Cảm giác cũ
(Cadn.com.vn) - Việc ông Pascal Lamy, cựu Tổng Giám đốc WTO, có mặt tại Việt Nam những ngày này gợi nên những cảm giác của những ngày đầu Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Người đàn ông trán hói có đôi mắt sâu thăm thẳm này đã gắn với một giai đoạn rất đáng nhớ trên con đường hội nhập của Việt Nam. Ngày 7-11-2006, WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO. Tại đây, ông Pascal Lamy và Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã ký vào Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, kết thúc 11 năm đàm phán.
Vào thời điểm đó, người Việt Nam đã có những ý tưởng bay bổng về hội nhập, về một điều gì mới mẻ, thênh thang. Đó cũng là lẽ thường, bởi không ai có thể thờ ơ trước thành quả to lớn của cả đất nước suốt hàng thập kỷ đàm phán cam go, có những lúc tưởng chừng như đổ vỡ. Cũng chính vào thời điểm đó, dòng đầu tư, viện trợ nước ngoài đổ dồn vào Việt Nam gần như là vô tận, đến nỗi nền kinh tế không thể hấp thụ hết. Ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng định APEC với sự tham gia của đại diện tất cả các cường quốc trên thế giới, bạn bè, đối tác...
Không chỉ người Việt Nam bay bổng, mà ngay cả những vị quan khách có mặt ở Việt Nam thời điểm đó cũng phần nào hòa chung cảm giác. Và trong một phút nào đó, ông G. Bush, Tổng thống Hoa Kỳ đã thốt lên rằng: Việt Nam là con hổ trẻ đang nổi lên ở Châu Á. Có lẽ không thể nào kể hết những câu chuyện ấn tượng, hân hoan lúc bấy giờ, bởi không khí hội nhập đã bao trùm cả xã hội và ai cũng có những câu chuyện của riêng mình...
Có một điều hơi đáng tiếc, đó là ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào khủng hoảng; bản thân kinh tế đất nước cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Lúc đó mới nhận thấy rằng, cơ hội cất cánh hóa ra không đơn giản. Những đánh giá gần đây cho thấy, không phải lúc nào Việt Nam cũng tận dụng hết lợi thế, cơ hội mà WTO đưa đến hay giải quyết toàn diện những thách thức do nó đặt ra. Có nghĩa rằng, để trở thành một thành viên có trọng lượng trong không gian WTO, Việt Nam còn phải làm rất nhiều điều.
Ông Pascal Lamy xuất hiện ở Việt Nam những ngày này nói chuyện về kinh tế đối ngoại, về hội nhập quốc tế..., không hẳn là một sự kiện tầm cỡ hay mang tính quyết định, dù chắc chắn nó rất quan trọng. Bản thân ông cũng khó có thể trực tiếp hỗ trợ điều gì ở tầm chiến lược đối với Việt Nam. Điều ông đem đến Việt Nam không chỉ là kiến thức, trí tuệ, kinh nghiệm... Có vẻ như, với mỗi người dân, điều ấn tượng nhất trong chuyến thăm của ông, chính là cảm giác về một quá khứ chưa xa, hay một cảm giác vẫn thấp thỏm mong chờ lặp lại ở thì tương lai!
Thường Dân