Cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Khó xử phạt, tuyên truyền hoài cũng thế

Thứ bảy, 25/06/2016 09:18

(Cadn.com.vn) - Dù đã triển khai Luật phòng chống tác hại thuốc lá  từ 3 năm nay, song Đà Nẵng chẳng xử lý được trường hợp nào hút thuốc lá tại nơi công cộng. Có chế tài nhưng không mạnh tay thì việc tuyên truyền dù "nói ra rả" cũng khó hiệu quả. Vấn đề này đã được đề cập nhiều tại hội nghị triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) năm 2016 trên địa bàn TP Đà Nẵng hôm 24-6.

Không dễ phạt người hút thuốc

Mặc dù Luật cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại các cơ sở y tế, các trường học từ mầm non tới THPT, các cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em, khu vực có nguy cơ cháy nổ như trạm đổ xăng, bên trong nhà ga, bến xe..., nhưng khi đến các địa điểm này, khói thuốc lá vẫn được xả ra mà không bị xử lý, thậm chí chỉ cần bị nhắc nhở thôi người hút thuốc cũng sẵn sàng phản ứng lại.

Thầy Nguyễn Văn Quỳnh- Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (Q. Sơn Trà) kể, nhiều phụ huynh tới trường liên hệ đứng ngay tại biển cấm thuốc lá đặt trong khuôn viên trường hút say sưa. Khi bảo vệ ra nhắc nhở thì bị phản ứng lại. Tương tự, ông Phan Trình - Phòng Y tế Q. Liên Chiểu, cho biết: Không khó để nhận ra tình trạng hút thuốc lá tại các bến tàu, xe, nơi công cộng bị cấm ở Đà Nẵng. Việc vi phạm luật là rất rõ, song để xử phạt một trường hợp hút thuốc lá không dễ chút nào. Theo ông Trình, muốn xử lý phải lập đoàn kiểm tra liên ngành, phải có kế hoạch kiểm tra, rồi phải qua nhiều hồ sơ, thủ tục nữa mới xử phạt được. Song mức xử phạt cũng nhẹ hều, từ 1 đến 3 trăm ngàn đồng. "Đi kiểm tra an toàn thực phẩm họ vi phạm còn có giấy đăng ký kinh doanh mà thu, chứ phạt người hút thuốc lá, họ không có tiền nộp, cũng chẳng biết thu giữ cái gì", ông Trình nói.

Ông Võ Thu Tùng- Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Đà Nẵng cho rằng, ngoài xử phạt người hút thuốc lá, Luật cũng quy định xử phạt người đứng đầu các cơ sở, tổ chức tại các địa điểm cấm hút thuốc lá, nhưng vẫn để tình trạng đó diễn ra. Mức phạt này lên tới 5 triệu đồng. Đây là đối tượng mà đoàn kiểm tra liên ngành cần hướng tới. Ông Tùng cũng thừa nhận công tác thanh tra chưa hiệu quả. Muốn kiểm tra trong trường học thì Thanh tra y tế phải phối hợp với Thanh tra ngành Giáo dục, tương tự thế đoàn kiểm tra liên ngành phải có sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, thanh tra thành phố..., nhưng khi tập hợp rất khó, cuối cùng cũng chỉ Thanh tra y tế đi kiểm tra. Mà thanh tra y tế TP thì rất mỏng, chỉ có 2 thanh tra viên. Thành ra dù có luật song việc kiểm tra, xử phạt lại rất khó thực hiện, cuối cùng PCTHTL quanh đi quẩn lại cũng chỉ là tuyên truyền rồi... chờ kết quả.

Cũng chính vì thế, trong kết quả công tác PCTHTL năm 2015 mà ông Tùng nêu ra chỉ là số lượng các buổi tập huấn, các chương trình truyền thông, chứ không có số liệu phản ánh hiệu quả của hoạt động PCTHTL thế nào. Trong rất nhiều cái khó được ông Tùng lý giải, có việc thiếu thời gian do phải tập trung phòng chống dịch, rồi khó vì không tìm ra được đối tượng để tham gia các lớp tập huấn. Chẳng hạn các nhà hàng, khách sạn khi mời tham gia họ "ngó lơ". Đặc biệt Ban chỉ đạo PCTHTL thì bị giải thể, trong khi hoạt động này lại liên quan đến nhiều đơn vị, đối tác, do vậy đơn vị đầu mối rất khó khăn trong điều phối hoạt động.

Nói chung, theo ông Tùng, có Luật song triển khai vào thực tiễn rất khó, cái chính vẫn là tuyên truyền.

Bệnh viện là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn, song tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra.

Quyền của người không hút thuốc

BS Nguyễn Tiên Hồng- PGĐ Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 200 ngàn ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc. Riêng Việt Nam có khoảng 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc và cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Do đó, Luật PCTHTL quy định tại các địa điểm công cộng, nơi làm việc, trong nhà, những người không hút thuốc lá có quyền được hít thở bầu không khí trong lành.

Chia sẻ việc xây dựng thành công môi trường không thuốc lá tại trường học của mình, thầy Nguyễn Văn Quỳnh nói, điều quan trọng nhất là tính nêu gương. Bản thân thầy Quỳnh trước cũng hút thuốc lá, song từ khi đi tập huấn về, phát động phong trào trong nhà trường, bản thân thầy đã phải bỏ thuốc lá để làm gương, dù việc đó rất khó khăn. "Trong trường có những thầy hút thuốc lá 20 năm nay, rồi có các em học sinh nam lớp 8, 9 cũng bắt chước người lớn hút thuốc lá. Bên cạnh việc tuyên truyền trong giờ học, ngoại khóa, các buổi chào cờ, chúng tôi còn cấm căn-tin bán thuốc lá, đưa tiêu chí không khói thuốc vào tiêu chí thi đua, phân loại từng đối tượng cụ thể để giúp bỏ thuốc", thầy Quỳnh chia sẻ.

BS Nguyễn Văn Thuyên- PGĐ Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà chia sẻ, từ chỗ 18 cán bộ nhân viên của trung tâm hút thuốc, nhờ thực hiện chặt chẽ các qui định, kết hợp giữa tuyên truyền, xử phạt, nêu gương mà đến nay chỉ còn 6 người hút thuốc lá. Tuy nhiên, việc hút thuốc của họ cũng diễn ra bên ngoài khuôn viên cơ quan theo đúng Luật qui định. "3 nhân viên hút thuốc bị chụp ảnh gửi cho lãnh đạo trung tâm, chúng tôi đã tiến hành phạt, trừ mỗi nhân viên 500 ngàn đồng vào lương tăng thêm, đồng thời thưởng cho 2 người đã bí mật chụp hình nhân viên hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện", BS Thuyên nói.

Thành Nam