Cam kết đồng hành xây dựng Đà Nẵng là thành phố đầu tư hiệu quả

Thứ bảy, 26/12/2020 09:00

Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thu hút đầu tư vào Đà Nẵng ngày 25-12, nhiều doanh nghiệp (DN) đã thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc và mong muốn của họ khi đầu tư vào TP. Đáp lại, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đưa ra nhiều cam kết đồng hành cùng DN song cũng đặt ra các yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện cam kết của mình.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc hội nghị.

Nhà đầu tư cần gì ở Đà Nẵng?

Ông Lee Sungnyng - Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng cho biết, việc hỗ trợ sau đầu tư để giữ chân DN, để họ tái đầu tư là cách thu hút đầu tư hiệu quả. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ tái đầu tư chiếm tới 60%. Và để hỗ trợ tốt sau đầu tư, chính quyền TP cần tổ chức thường xuyên các diễn đàn, có thể qui mô nhỏ để lắng nghe tiếng nói từ DN, hỗ trợ DN gỡ vướng mắc đang gặp phải. Cũng theo ông Lee, TP cần cải thiện thủ tục đầu tư nhanh gọn hơn nữa, bởi lẽ việc chậm trễ về thời gian không chỉ tổn thất chi phí mà còn nguy hại đến môi trường đầu tư nếu nhà đầu tư từ bỏ ý định đầu tư và chọn địa phương khác. Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC đánh giá cao cam kết và nỗ lực của TP trong thực hiện thủ tục đầu tư dự án tổ hợp Không gian sáng tạo CMC tổng vốn 12 ngàn tỷ đồng tại Đà Nẵng. Ông Chính nói lần đầu tiên thấy thủ tục qui hoạch 1/500 nhanh kỷ lục như vậy, giảm trên 70% thời gian so với bình thường phải 120 ngày. Ông Chính cam kết sẽ nhanh chóng triển khai dự án để hiện thực hóa mục tiêu biến Đà Nẵng là trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu, là nơi thu hút nhân lực sáng tạo quốc tế, nơi sống lý tưởng. Dự án của CMC là không gian sáng tạo xanh, khu đô thị sống, làm việc công nghệ chất lượng 5 sao. Kết thúc năm 2020 doanh thu của CMC đạt 6 ngàn tỷ đồng, mục tiêu tới năm 2025 CMC là Cty tỷ đô.

Là nhà đầu tư lâu năm tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Tuấn Phương, Chủ tịch HĐQT Cty phần mềm FPT miền Trung cho biết, hiện đơn vị thu hút khoảng 4 ngàn nhân lực làm việc tại Đà Nẵng với doanh thu tăng trưởng 20% trong năm nay. Trong 2 năm tới, FPT sẽ đầu tư khoảng 6,7 ngàn tỷ đồng vào các dự án tại Khu đô thị công nghệ FPT ở Ngũ Hành Sơn, trong đó có các dự án giáo dục, nhà ở cho kỹ sư, công viên phần mềm… để phấn đấu có 10 ngàn nhân lực làm CNTT làm việc tại Đà Nẵng trong thời gian tới. Theo ông Phương, sau đại dịch Covid-19 năm 2020 sẽ có làn sóng chuyển đổi số trong DN, đây là cơ hội lớn cho ngành CNTT Đà Nẵng nếu biết nắm bắt và chớp lấy. Còn nhớ, sau làn sóng thứ nhất năm 2000 đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc CNTT của thế giới. Từ thực tế đó, Đà Nẵng nên chuẩn bị sẵn điều kiện hạ tầng, môi trường sống, làm việc để đón đầu làn sóng chuyển đổi, chớp thời cơ thu hút đầu tư lớn trong lĩnh vực CNTT. Trong khi đó, ông Trần Hồng Sơn, Tổng giám đốc Cty cổ phần Long Hậu thì cho rằng, 2 điểm chính cản trở trong việc đưa ra quyết định đầu tư tại Đà Nẵng chính là thiếu nhân lực chất lượng cao và hạ tầng xã hội xung quanh các khu công nghiệp, khu công nghệ. Dù đang dịch bệnh nhưng việc dịch chuyển đầu tư đang diễn ra quyết liệt. Vì thế TP cần hoàn thiện hạ tầng này để gia tăng khả năng thu hút đầu tư đúng như kỳ vọng.

Đồng hành và chia sẻ

Liên quan đến việc tiếp cận đất đai mà nhiều nhà đầu tư quan tâm, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, qua rà soát TP hiện có 318 lô đất lớn tổng diện tích hơn 194 ha sẵn sàng để nhà đầu tư tiếp cận. Sở đã xây dựng trong phần mềm để nhà đầu tư tiếp cận, thể hiện rõ mục đích sử dụng đất, tiêu chí, quy hoạch. Điều này thuận lợi cho nhà  đầu tư, biết rõ TP có mong muốn dự án gì, đồng thời nhà đầu tư cũng có thể đề xuất kiến nghị. Chẳng hạn tại khu đất đó, TP muốn thu hút đầu tư về dịch vụ nhưng nhà đầu tư tiếp cận thấy đầu tư về CNTT phù hợp hơn vẫn có thể đề xuất. Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết, thời gian qua Sở đã cải cách, rút ngắn rất nhiều thời gian trong thực hiện thủ tục thẩm định giá đất, thẩm định DTM… những thủ tục trong quá trình đầu tư. Chẳng hạn như dự án của CMC, nếu thực hiện toàn bộ thủ tục theo trình tự không dưới 200 ngày nay rút xuống còn khoảng 90 ngày. Đây là dự án điển hình về tinh giản thủ tục, cũng là tiền đề tạo công thức cho các dự án về sau. Ngoài ra, ông Hùng cho biết, thời gian qua TP đã tích cực tháo gỡ vướng mắc về đất đai với các dự án trước đây để nhà đầu tư sớm triển khai dự án. Song song với đó, TP cũng kiến nghị Trung ương cho dừng nội dung rà soát các dự án theo Kết luật 2852 của Thanh tra Chính phủ. Bởi lẽ việc rà soát tốn nhiều thời gian đồng thời làm tất cả dự án bị đóng băng, không triển khai được.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trao Bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu đầu tư vào TP. 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, cả nhiệm kỳ vừa qua TP gặp rất nhiều khó khăn thách thức, từ khắc phục sai phạm về đất đai, thiên tai, dịch bệnh toàn cầu… song thu hút đầu tư lại là một điểm sáng so với nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ qua, thu hút đầu tư trong nước vào TP đạt trên 76 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 43 ngàn tỷ so với nhiệm kỳ trước. Tương tự, thu hút đầu tư FDI đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 34 triệu USD. Nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng của các dự án đầu tư và sự đồng hành cam kết thực hiện của các nhà đầu tư. Điều này cho thấy rõ chất lượng thu hút và các nhà đầu tư đã vào TP, trong điều kiện khó khăn chung. Trong đó nhiều điểm sáng được tôn vinh, như nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC, tổ hợp khách sạn Mikazuki, khu đô thị FPT. Điều này cho thấy TP đang đi đúng hướng. Hy vọng kết quả đó tạo sự lan tỏa lớn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Quảng cũng chỉ ra những hạn chế, nổi bật như tầm cỡ đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của TP. Thứ nữa nếu so với tất cả các địa phương khác trong cả nước, Đà Nẵng đang tụt hậu dần, tụt hậu ngay với chính các địa phương xung quanh. Do đó, Đà Nẵng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong thu hút đầu tư.

Phó Bí thư Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết tặng bằng khen cho các sở, ngành có thành tích trong thực hiện chủ trương thu hút đầu tư giai đoạn vừa qua.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Đà Nẵng còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế để sinh lợi cho các nhà đầu tư và thúc đẩy cho sự phát triển của TP. Đặc biệt, ngoài những lợi thế hiện nay, TP sẽ cam kết tạo ra các lợi thế mang tính cạnh tranh so với các địa phương khác. Trước mắt, TP sẽ hoàn thiện hệ thống logistics bằng việc nâng cấp sân bay Đà Nẵng, xây dựng ga hàng hóa hàng không, đây là một trong những điều kiện để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ cao, CNTT. TP cũng sẽ nâng cấp cảng Tiên Sa với việc khơi luồng quay tàu để đưa tàu lớn vào cảng đồng thời xây dựng bãi container tại Hòa Vang để giảm chi phí cho DN.

Cũng theo ông Quảng, TP cam kết thực hiện nâng cao môi trường sống, điều kiện sản xuất, kinh doanh. Đề xuất T.Ư cho cơ chế đặc thù tạo ra lợi thế cho TP cũng như nhà đầu tư. Ví dụ, TP đang hướng đến việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại miền Trung- Tây Nguyên, đòi hỏi quan tâm đầu tư nguồn lực lớn và cả cơ chế đặc thù.

“Tôi khẳng định TP sẽ công khai, minh bạch và nhất quán trong quan điểm, chủ trương và trong quá trình thực hiện việc kêu gọi đầu tư, nhất là các chủ trương về đất đai, các cơ chế chính sách, trên cơ sở vận dụng cụ thể hóa quy định của pháp luật”- ông Quảng Nói. Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án cũ để đưa các dự án này vào hoạt động, tạo ra nguồn lực phát triển mới cho TP. Hiện TP có rất nhiều dự án đang tồn tại và rất nhiều nguồn lực đang nằm chôn trong các dự án đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất đi cơ hội phát triển cho TP. Thậm chí đây là một sự lãng phí. TP đã giải quyết được một số dự án, thời gian tới sẽ tháo gỡ. Tuy nhiên, câu chuyện này không đơn giản. Bởi vì trước đây nó đã sai, bây giờ tháo gỡ lại đòi hỏi nó đúng về mặt pháp luật thì không có.

Lãnh đạo TP trao đổi với nhà đầu tư bên lề hội nghị.

Về thái độ công vụ của công chức, ông Quảng nói TP có giải pháp để cán bộ công chức làm đúng và tốt chức trách của mình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vì lợi ích chung của TP. Tôi khẳng định, lãnh đạo TP trực tiếp lắng nghe về những khó khăn, vướng mắc, cản trở thậm chí cả những vấn đề tiêu cực trong quá trình làm việc của cán bộ công chức, trong quá trình kêu gọi, thực hiện các dự án đầu tư. TP cam kết xử lý nghiêm những vi phạm này.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy cũng nêu 3 vấn đề mong muốn. Trước tiên, ông Quảng mong DN đồng hành chia sẻ với TP trong quá trình tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước. Bởi vì, những sai phạm trước đây, ngoài câu chuyện về trình tự thủ tục còn sai phạm dẫn tới hậu quả về mặt kinh tế. Bây giờ TP và doanh nghiệp cùng nhau đồng hành, TP tháo gỡ thủ tục, nhưng những gì thuộc về nghĩa vụ kinh tế thì DN cùng chia sẻ. Và TP sẽ vận dụng tối đa nhất để hài hòa lợi ích này, như vậy mới có điểm chung để tháo gỡ được.

Về mong muốn của doanh nghiệp trong tinh giản thủ tục, ông Quảng nói: Tôi mong DN đồng hành với TP trong quá trình thực hiện trình tự thủ tục. DN yêu cầu cần phải làm nhanh, thuận lợi nhưng DN đều biết cái gì làm cũng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Đây mới là giá trị bền vững của dự án khi DN đầu tư. Bởi vì nếu xi xoa với nhau chỉ làm đẹp lòng nhau ở thời điểm này, còn sau này hậu quả thì chính DN phải gánh chịu. Mà DN nhìn thấy rất rõ hậu quả đó rồi. Nhiều dự án đóng băng hàng chục năm nay vì sai về trình tự thủ tục bây giờ không ai dám tháo gỡ cả. Khi làm một dự án đúng, đầy đủ thủ tục thì đấy chính là giá trị bền vững của dự án đó.

Cuối cùng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết: Lãnh đạo TP quyết tâm đồng hành cùng nhà đầu tư, nhưng cũng mong các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết của mình trong việc đầu tư. Có như vậy, nhà đầu tư mới thực sự là trụ cột cho TP trong việc khôi phục, phát triển kinh tế và xây dựng Đà Nẵng là TP phát triển xứng tầm, đáng sống.

HẢI QUỲNH