Cảm nhận "bên lề" du lịch Thái Lan

Thứ năm, 06/08/2015 09:33

(Cadn.com.vn) - Nhân Đà Nẵng mở lại đường bay trực tiếp đi Bangkok-Thái Lan, chúng tôi có dịp thực hiện chuyến du lịch đến đất nước chùa Vàng; xin chia sẻ với các bạn một số cảm nhận "bên lề" tour du lịch thú vị này.

" Chây Zen zen" - Hãy bình tĩnh

Sau phần chào hỏi, làm quen khi gặp mặt, Châu, chàng hướng dẫn viên người Thái gốc Việt đã dạy cho chúng tôi những câu nói thông thường bằng tiếng Thái. Theo Châu, chỉ cần học hai câu, đầu tiên là lời chào "sawadikha" và câu thứ hai là "Chay zen zen" nghĩa là "hãy bình tĩnh". Châu cho biết "chây zen zen" chính là câu cửa miệng của người Thái và cũng là cách ứng xử truyền thống của người dân xứ chùa Vàng. Châu kể: ở Thái Lan, giả sử có một vụ hai ô-tô va chạm, thì người lái xe sẽ ngồi nguyên sau tay lái khoảng 5 phút, vừa để bớt đi sự hoảng sợ nhưng cũng là để giữ cho mình thật bình tĩnh. Sau đó hai bên bước ra khỏi xe, chắp tay chào nhau, mời vào trong lề đường nói chuyện, không nói lỗi - phải, mắng mỏ gì nhau mà mỗi bên tự gọi điện cho... hãng bảo hiểm của mình đến làm việc.

Tại các điểm du lịch, các nhà hàng, với hàng ngàn khách du lịch nhưng mọi người đều xếp hàng từ tốn, sẵn sàng nhường nhau dùng trước. Tại các điểm bán hàng, người ta đon đả mời chào nhưng không chèo kéo mà tận tình chỉ dẫn khách, dù cho khách chọn lựa trả giá nhưng không mua thì cũng không tỏ thái độ bực mình, chửi mắng. Có thể nói ở Thái Lan, cách cư xử điềm đạm, từ tốn, thói quen nhẫn nại xếp hàng, không to tiếng, không xô đẩy, chen chúc... dường như là nếp sinh hoạt rất đỗi bình thường từ trẻ em đến người lớn ở những nơi công cộng. Nhà cửa bên Thái không đẹp bằng các thành phố nước ta. Có vẻ như người dân Thái không quá chú trọng cho ngôi nhà của mình, quan niệm đó chỉ đơn giản là một chỗ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc là đủ.

Ở Thái, các sản phẩm tiêu dùng dễ dàng đem đến niềm tin cho khách hàng, một phần vì giá cả phải chăng, người bán thường không nói thách, khó lòng tìm được hàng giả, hàng nhái và ngay cả hàng xuất xứ từ Trung Quốc cũng không thấy. Các trung tâm sản xuất vàng bạc, trung tâm dược phẩm, các cơ sở sản xuất lớn cũng được gắn với thương hiệu "Hoàng Gia" như một bảo đảm về uy tín, chất lượng.

Nét nhân văn từ "thành phố ma quỷ"-Pattaya

Trong chương trình tour, chúng tôi được xem một suất diễn do các nghệ sĩ chuyển giới biểu diễn. Nói thật, ban đầu, dù đã được giải thích khá kỹ lưỡng nhưng chỉ nghe nhắc đến chữ "pê đê" đã khiến chúng tôi không mấy thiện cảm. Chỉ đến khi thực sự mục kích màn biểu diễn của các nghệ sĩ chúng tôi mới thực sự thoát khỏi những định kiến đối với người chuyển giới. Buổi trình diễn rất hoành tráng, đầy màu sắc, tổ chức chuyên nghiệp, thiết kế dàn dựng độc đáo... Nhưng trên hết cả là sự lao động nghệ thuật xuất sắc của các nghệ sĩ thực thụ. Qua đây, chúng tôi đã hiểu thêm được một nét nhân văn từ một thành phố được mệnh danh là "ma quỷ" này. Không ở đâu như ở Thái, nơi mà những người chuyển giới, hay còn gọi là những người giới tính thứ ba, được xã hội công nhận, được sống và làm việc như những người bình thường, và quan trọng là họ được tôn trọng với tất cả các giá trị con người mà không hề có bất cứ sự kỳ thị nào trong cộng đồng.

Show diễn Cao bồi miền Tây nước Mỹ.

Đối với du khách lần đầu đến Thái Lan, khó mà hình dung ra được một đất nước thấm đẫm tinh thần Phật giáo lại có  thành phố Pattaya, nơi mệnh danh là  "thành phố ma quỷ" bởi đây là một thành phố sống chủ yếu vào ban đêm với tất cả những gì bụi bặm, gai góc và tăm tối (theo quan niệm của nhiều người). Khu phố đi bộ Walk Street nhộn nhịp, tấp nập với đủ loại người, đủ  thứ hình thức mời chào, đủ thứ âm thanh, mùi vị hỗn tạp... Những cô gái ăn mặc mát mẻ, đứng đong đưa chào mời khách công khai dưới tán lá dừa ven biển, những cô gái thân hình bốc lửa, uốn éo trong các quán bar... làm cho nhiều người trong chúng tôi khá "dị ứng". Nhưng như giải thích, đây là Pattaya, một thành phố ăn chơi, chỉ dành cho người ăn chơi, tồn tại mấy chục năm nay rồi nên đã đến đây thì bạn nên thừa nhận điều đó như một sự hiển nhiên.

Tượng Phật bằng vàng trong Chùa Phật Vàng.

Hổ được nuôi trong vườn thú hoang dã.

Thêm tự hào về đất nước mình

Tôi có thể đoán chắc với bạn là nỗi nhớ về quê nhà sẽ đến ngay bữa ăn đầu tiên trên đất Thái. Vâng, cũng vẫn là cơm, phở, hủ tiếu, rau xào và cả nước mắm nữa... không khác mấy so với Việt Nam nhưng món ăn Thái vẫn có một thứ mùi đặc trưng không dễ gì quen ngay được. Tiếng là xứ xuất khẩu gạo nhiều và ngon nhất thế giới nhưng cả đoàn tôi đều nhất trí là gạo Thái không ngon bằng gạo Việt Nam. Rau quả của Thái không phong phú như bên xứ mình. Mang tiếng là thành phố biển, nhưng ở Pattaya chúng tôi không thấy bày bán hải sản phong phú như ở ta. Một anh trong đoàn đưa ra nhận xét: Ở Thái Lan, cái gì cũng là nhân tạo. Quả thật, đi trên đất Thái, mới thấy họ không có phong cảnh thiên nhiên đẹp như Việt Nam ta. Hai bên tuyến đường cao tốc hầu như không có làng mạc, ruộng đồng xanh ngút ngát như ở bên mình. Qua Thái, các thiết bị liên lạc điện tử của bạn có nguy cơ bị bỏ xó vì khách sạn không có wiffi, nên bạn phải mua SIM và 3G để sử dụng riêng với giá dịch vụ viễn thông đắt gấp mấy lần so với Việt Nam. Chúng tôi nói vui với nhau: "Biển ở Pattaya thì phải gọi biển của Đà Nẵng bằng... cụ"...

Khen, chê xứ người thì chắc còn nhiều nữa tùy theo cách bạn cảm nhận và khám phá. Dù không có nhiều phong cảnh đẹp, không có bờ biển dài và giàu đẹp như Việt Nam, nhưng chúng ta phải thán phục bạn về sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, cách làm du lịch chuyên nghiệp của họ, cả về lối sống, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đất nước này. Khám phá cảnh quan, tiếp thu những điều tốt đẹp, chiêm nghiệm những giá trị nhân văn cao cả, để "biết mình biết người"... đó cũng là mục đích và lý do thôi thúc của mỗi người khi tìm đến với những chuyến đi du lịch.

Lê Hoa