Cảm xúc tháng bảy

Thứ năm, 27/07/2017 07:30

Tờ báo này đến với bạn đọc đúng dịp tròn 70 năm kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017). Với mỗi người dân Việt Nam – đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa/ ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc”, “ra ngõ gặp anh hùng”, trong dịp này xốn xang biết bao nhiêu cảm xúc...

Cách đây mấy hôm, tôi tình cờ gặp vị lão thành cách mạng quê ở Quảng Ngãi, đang điều trị bệnh tại BVĐN. Ở tuổi ngoài tám mươi, từng kinh qua nhiều cương vị công tác với chức danh khi nghỉ hưu là Bí thư huyện ủy, nay tuổi già, sức yếu với nhiều căn bệnh hành hạ, vậy mà mỗi khi thấy khỏe một chút, ông lại lục từng góc ký ức kể cho tôi nghe về những năm tháng cùng đồng đội  hứng chịu mưa bom bão đạn ở chiến trường Khu 5 khốc liệt. Đặc biệt khi kể về những lần gặp Bác khi ông ra Bắc chữa bệnh, ông rớm nước mắt. Những giọt nước mắt tràn đầy ân nghĩa khi ông nhớ về đồng đội đã khuất và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu làm tôi rưng rưng.

Năm nào cũng vậy, cứ dịp tháng bảy, tôi lại nhớ nhà thơ - nhà báo Lê Bá Dương, tác giả bài thơ Lời gọi bên sông: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Từng gặp và chuyện trò cùng ông, tôi hiểu những câu thơ bất hủ ấy chính là sự cô cạn nỗi đau đáu nhớ thương đồng đội ngã xuống nên đã thực sự lay động tâm can bao người. Cùng với việc tìm hài cốt đồng đội, mỗi năm vào tháng bảy, ông gác lại mọi việc để chỉ làm một việc ân nghĩa: về Quảng Trị thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ những người bạn “tuổi hai mươi thành sóng nước”. Rồi ông biết dù cố đến mấy cũng không thể tìm hết được hài cốt đồng đội nên lại nghĩ cách “Đưa quê hương vào với đồng đội”. Ông cùng những cựu chiến binh mắt mờ, tóc bạc, chân run khoác ba lô trở lại chiến trường xưa mắc võng ngủ với đồng đội, làm lễ hòa đất và nước sông quê liệt sĩ vào lòng sông Thạch Hãn…

Tình cảm dành cho đồng đội đã khuất gợi lại cho chúng ta hiểu thêm về sự mất mát của những người Mẹ tiễn con đi rồi khóc thầm trong nỗi đau ly biệt, về những sinh viên xếp bút nghiên viết tâm thư bằng máu của mình xin lên đường nhập ngũ, về những thiếu niên khai thêm tuổi, tìm cách tăng cân nặng để đủ chuẩn vào Nam chiến đấu… Nỗi đau còn dai dẳng hơn bởi cho đến bây giờ, khi đất nước đã im tiếng súng gần nửa thế kỷ, có những gia đình vẫn mải miết đi tìm hài cốt liệt sĩ là chồng, là cha, là con em mình ngay cả khi hiểu rằng có thể đã vô vọng. Những hình ảnh ấy, những giọt máu đào ấy chính là sự hy sinh cao cả để đánh đuổi quân thù, để trọn vẹn non sông, để Tổ Quốc trường tồn.

Nói sao cho hết chuyện cảm động về hoạt động tri ân anh hùng liệt sĩ và người có công. Nhiều năm qua, cùng với chế độ chính sách của Nhà nước dành cho gia đình chính sách, khắp các địa phương thực hiện nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa phong phú và thiết thực: tổ chức lễ tri ân, xây dựng, sửa chữa nhà cho đối tượng chính sách, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, đóng góp quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, ổn định đời sống cho thương binh, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phong trào “Nàng dâu hiếu thảo” “Áo lụa tặng bà”.v.v...  Mới đây, khi đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác chăm sóc thương binh,gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ cao quý, là tình cảm và ân nghĩa, được Đảng, Nhà nước luôn luôn coi trọng, là trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội, bởi sự cống hiến, hy sinh của người có công là vô giá, không gì có thể bù đắp được...

Chúng ta đã làm được rất nhiều điều thiết thực, hiệu quả trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Dù vậy, cá biệt đây đó vẫn còn cách hành xử, việc làm thiếu sự quan tâm đúng mực, thậm chí thờ ơ đối với đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, một số cán bộ sa sút phẩm chất, mắc phải sai phạm, ít nhiều làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân. Điều đó không chỉ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước mà còn có lỗi với sự hy sinh của những người đã ngã xuống. Lợi dụng  điều này, một số kẻ đã khoét sâu thêm nỗi đau của dân tộc, xem nhẹ công lao, thậm chí còn có lời lẽ phủ nhận sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Suy nghĩ và cách hành xử này thật lạc lõng, hổ thẹn và đáng lên án.

Dân tộc Việt Nam mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn. Và cả nhân loại này đều hiểu tính mạng con người là quý giá nhất. Bởi vậy, sự hy sinh anh dũng không tiếc máu xương của các bậc tiền bối, của anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng với khát vọng đem lại độc lập, tự do, hòa bình cho Tổ Quốc, sự bình yên của nhân dân được thấu hiểu rằng đó là chuyện ân nghĩa vĩnh cửu!

NGUYỄN ĐỨC NAM