Cảm xúc từ “Đôi dòng tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma”

Thứ ba, 24/07/2018 09:03

“Đôi dòng tưởng niệm các chiến sĩ Gạc - Ma”, in trong Tạp chí Non Nước Đà Nẵng số 246 – tháng 7-2018 của Nguyễn Nho Khiêm được viết theo thể thơ tự do nên vừa có thể trải cái cảm xúc miên man bằng những câu thơ dài, lại vừa có thể nén chặt tình thơ bằng những câu rất ngắn– hai chữ. Bài thơ như một câu chuyện kể chân tình với hai không gian thơ - chung một niềm thương quý để gửi gắm một mơ ước mãnh liệt. Hai không gian thơ đó là: giữa biển Trường Sa và vịnh Cam Ranh. Cái vị trí địa lý kéo dài từ biển cả mênh mông về đất liền gợi cái chông chênh của miền sóng vỗ với miền lặng sóng, yên bình. Chúng tôi đứng giữa biển Trường Sa. Câu thơ mở đầu không chỉ là niềm tự hào của những người vượt sóng đến Trường Sa mà còn là hạnh phúc lớn lao về chủ quyền của dân tộc. Cho nên hình ảnh ấy đẹp và thoáng nét hào hùng. Để rồi giữa mênh mông của đại dương, đoàn người hướng về đảo Gạc - Ma tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền: Nơi đây năm 1988/Sáu mươi tư chiến sĩ/Đã ngã xuống/Dâng lên vòng tròn bất tử.

Hình tượng vòng tròn bất tử là vẻ đẹp cao quý thiêng liêng. Câu thơ tái hiện trong lòng người đọc hành động dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Họ đã hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ Quốc kỳ, dấu mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu:

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương/Họ đã lấy thân mình làm cột mốc/Chặn quân thù trên biển đảo quê hương. (Tổ quốc ở Trường Sa – Nguyễn Việt Chiến).

Giữa mênh mông của biển, trong vô tận kính yêu, ngưỡng vọng các anh linh, Nguyễn Nho Khiêm lại khắc họa trong thơ mình hình ảnh về sự tri ân với nén nhang tưởng nhớ, với vòng hoa thơm đặt trên ngọn sóng, với tiếng còi tàu hú lên thổn thức thay cho tiếng lòng muôn người thổn thức, nhói đau:

Khói nhang tan trong gió/Vòng hoa đỏ/Trôi trên biển xanh trầm lặng/Hạc giấy, hoa cúc vàng hồn biển mênh mang/Con tàu hú lên hồi còi thổn thức.

Trong bài thơ này, Nguyễn Nho Khiêm thường dùng hình ảnh hoặc hình tượng để bày tỏ cảm xúc. Và đôi khi là nhận định rất ngắn mà súc tích, cuộn trào những thổn thức riêng tư. Đó là khi anh viết:

Đất nước bốn nghìn năm trên đầu sóng/Biển xanh/Máu mặn.

Hoặc:

Tượng đá

Lòng đau

khi anh Cúi đầu trước tượng đài bất tử tại khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng tại bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Còn nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết: "Có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mặn như máu”. Và ta hiểu vì sao nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm có những dòng thơ đau thắt lòng như thế. Nhất là khi anh trăn trở cùng non sông đất nước, từng nặng lòng về số phận con người với những trang lịch sử bi hùng:

 Đất nước bốn nghìn năm trên đầu sóng.../Đất nước bốn nghìn năm thao thức.

Rồi khi anh đặt ra hai câu hỏi - một câu hỏi cho những linh hồn liệt sĩ Gạc Ma và một câu hỏi cho chính chúng ta:

- Bao giờ

Linh hồn các anh siêu thoát?...

- Bao giờ

Biển êm đềm nối sóng thái bình dương?

Cả hai câu hỏi dường như chưa có câu trả lời. Điều đó làm cho bài thơ khép lại bằng nhiều cảm xúc bâng khuâng mà sâu lắng như nhắc nhở mọi người còn đó những sự mất mát lớn lao không gì bù đắp của máu mặn, biển xanh và mang lại mơ ước, khát vọng về sự vẹn toàn bờ cõi vươn rộng ra khơi xa trong thái bình mãi mãi.

NGUYỄN THỊ PHÚ