Cán bộ "lơ mơ"

Thứ năm, 16/09/2021 07:40

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ là phép thử đối với năng lực quản trị mà còn là thước đo trí tuệ, bản lĩnh của đội ngũ lèo lái con thuyền sinh mệnh của quốc gia, đơn vị, địa phương.

Hãy “zoom” thẳng vào cuộc họp trực tuyến ngày 13-9-2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang về công tác phòng chống dịch để làm rõ sự “chòng chành” này.

Câu chuyện vào hồi gây cấn khi lãnh đạo 2 tỉnh trình bày báo cáo công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Đọc báo cáo vốn là ngón nghề dày dạn nhưng oái oăm gặp ngài Thủ tướng cứ thích hỏi xoáy, lại bắt đáp sâu: “Ngày hôm qua trong cộng đồng các anh xét nghiệm phát hiện ra bao nhiêu ca? Các đồng chí phải rất cụ thể, cứ lơ mơ làm sao chỉ huy được?”. Lúng túng như học trò “lệch tủ” kỳ thi, hí hoáy mãi với mớ báo cáo chờ phao trợ giúp. Được "nhắc tuồng", đồng chí lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mới đưa ra con số “154” ca F0. Nhưng khi Thủ tướng hỏi thêm câu hỏi phụ “Ở đâu?”, vị này chính thức “đo ván” thẻ thọt thừa nhận rằng “Báo cáo Thủ tướng, không nhớ nổi”. Đây được xem là cú sốc mang tên họp trực tuyến đối với lãnh đạo Kiên Giang và Tiền Giang. Người trong cuộc rất muốn quên nhưng dư luận sẽ luôn nhắc nhớ!

Những người giữ vai trò đầu tàu trong công tác phòng chống dịch mà không cập nhật, nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa phương chẳng khác nào là tử huyệt. Bởi lẽ trên trận tuyến chống giặc dịch mà “lơ mơ” không biết “mũi tiến công” của “kẻ địch” thì còn gì nguy hiểm hơn. Với cương vị người “chỉ huy”, cán bộ lãnh đạo phải đi thực tế, phải mắt thấy, tai nghe mới ra chủ trương “đúng và trúng”. Lại nhớ lời Bác căn dặn: “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”. Và hậu quả của “chiếc vung” không vừa vặn chính là sắc xanh xuống hạng, sắc đỏ lên ngôi ở các tỉnh nói trên.

Ai đó đã từng nhận định, nêu gương là phương pháp lãnh đạo không lời. Vậy khi những người lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm, tấm gương bị nhoè đục thì cấp dưới biết soi vào đâu để sửa mình?! Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, trong buổi làm việc này, lãnh đạo tỉnh không chỉ báo cáo cho Thủ tướng tỏ, cho Trung ương tường mà còn báo cáo với Nhân dân địa phương, với Nhân dân cả nước đang hướng về những nơi máu chảy ruột mềm. Câu nói: “không nhớ nổi” đã phụ biết bao tin yêu của Nhân dân đặt vào người thuyền trưởng của mình. Cứ như vậy làm sao nói cho “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, làm sao xây dựng, phát huy được thế trận lòng dân trong phòng, chống dịch.

Và dĩ nhiên, đằng sau đó là câu chuyện ai cũng rõ mười mươi nhưng ngại ngần không dám mở lời – đó là câu chuyện lệ thuộc vào báo cáo, giấy tờ; đó là câu chuyện về “cái bóng” của trợ lý hay tệ hơn là tình trạng khoán trắng cho cấp dưới. Tiếng "nhắc tuồng" thể hiện “cái tâm” của anh thư ký nhưng cũng vô tình làm hạ “cái tầm” của lãnh đạo mình. Một sự việc không phải là tất cả nhưng nói lên được nhiều điều. Cơ quan chức năng ắt sẽ có câu trả lời thoả đáng về việc đặt để cán bộ sao cho đúng người, đúng việc. Và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý sẽ tự sửa mình, nâng cấp mình để đáp ứng yêu cầu của lực lượng tiền phong.

Trong cơn bão dịch, lãnh đạo các địa phương không chỉ là người chăm lo đời sống cho người dân mà còn là người coi sóc sinh mệnh của hàng triệu người. Vì thế, bất kỳ sự hời hợt, thiếu trách nhiệm nào cũng đáng bị lên án. Tuy nhiên, việc phê bình không nhằm “hạ bệ” mà cốt để sửa chữa, cầu tiến bộ. Hi vọng những câu hỏi đúng trọng tâm, trọng điểm và những lời phê bình của Thủ tướng sẽ gióng hồi chuông cảnh tỉnh đối với lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong bám sát, dốc hết tâm ý, tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch. Đối với những vị lãnh đạo chưa qua “bài sát hạch” lần này của Thủ tướng cần ghi nhớ và trả nợ Nhân dân.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP