Cần bổ sung biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng
Ngày 29-8, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Thanh tra và Công an TP Đà Nẵng về kết quả 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị.
Đoàn công tác làm việc với Thanh tra TP Đà Nẵng. |
Còn chây ì, trốn tránh thực hiện kết luận thanh tra
Theo ông Trần Huy Đức- Chánh thanh tra TP Đà Nẵng, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã tiến hành thanh tra 14 cuộc liên quan đến các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm với tổng số sai phạm về kinh tế là hơn 35 tỷ đồng; cơ quan chức năng thu hồi 47 lô đất, thu hồi quyền sử dụng thửa đất với diện tích 3.119m2. Bên cạnh đó, đã phát hiện, xử lý hơn 47 tỷ đồng liên quan đến số tiền chiếm dụng khoản thu về cổ phần hóa. Qua công tác thanh tra, lực lượng đã phát hiện 11 tập thể/tổ chức và 38 cá nhân sai phạm. Ngoài việc xử lý hành chính đối với các tập thể/tổ chức và cá nhân nói trên, cơ quan Thanh tra cũng đã kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra 13 vụ/7 đối tượng.
Theo ông Đức, thời gian qua, công tác thanh tra nói chung và thanh tra các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nói riêng đã được các cấp ủy, chính quyền triển khai hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành trên địa bàn. Hoạt động thanh tra đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị. Công tác thanh tra cũng đã phát hiện, khắc phục những chồng chéo về cơ chế, chính sách, từ đó có những đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đồng thời cũng đã phát hiện và kịp thời xử lý các sai phạm để thu hồi tài sản cho Nhà nước. “Kết luận thanh tra cơ bản đảm bảo tính chính xác, khách quan; các kiến nghị phù hợp với quy định của pháp luật và có tính khả thi nên được sự chấp nhận, đồng tình cao của đối tượng thanh tra, do vậy được thực hiện nghiêm túc. Trong thời gian qua không có kết luận thanh tra bị khiếu nại”, ông Đức cho biết.
Cùng thời gian, tình hình phản ánh, khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp của vụ việc. Việc giải quyết đơn thư luôn bị động và áp lực về thời gian gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác thanh tra nói chung cũng như thanh tra các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Cạnh đó vẫn còn tình trạng tổ chức, cá nhân có sai phạm cố tình chây ì hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra. Có những trường hợp gây thất thoát không có khả năng nộp lại khoản tiền bị thu hồi hoặc xử lý vi phạm. Ông Đức kiến nghị: “Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống tham nhũng của cơ quan thanh tra các cấp, cần bổ sung biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng; nghiên cứu mô hình phù hợp để tạo sự độc lập tương đối của cơ quan thanh tra. Mặt khác phải có chế tài cụ thể đủ mạnh trong việc xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra.
Nhiều khó khăn từ các doanh nghiệp “ma”
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được chỉ đạo quyết liệt, dưới sự giám sát của Thành ủy cùng liên ngành nội chính thống nhất xử lý các vụ án phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Do đó, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực, đã điều tra khám phá được nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đóng góp vào công cuộc phòng chống tham nhũng của chính quyền, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị. Tuy vậy, công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số đơn thư tố cáo là nặc danh do nội bộ mâu thuẫn tố giác lẫn nhau, thông tin phản ánh còn mang tính chủ quan, thổi phồng, không chính xác và không có tài liệu thể hiện… nên công tác điều tra, xác minh mất nhiều thời gian, kết quả không cao. Theo Đại tá Trần Mưu, các hành vi tham nhũng xảy ra hiện nay đa số đều thể hiện qua việc đưa, nhận tiền (đưa, nhận hối lộ) nhưng việc thu thập chứng cứ hành vi này gặp rất nhiều khó khăn, đối tượng luôn luôn chối bỏ về việc nhận tiền nên rất khó củng cố hồ sơ khởi tố vụ án. Lợi dụng chính sách thông thoáng của Đảng và Nhà nước trong hoạt động kinh tế, nhiều đối tượng thành lập doanh nghiệp ma để mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế, các đối tượng tham nhũng sử dụng hóa đơn khống để hợp thức hóa chứng từ gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong công tác xác minh, truy tìm đối tượng…
Với một số bất cập phát sinh trong thực tế, Đại tá Trần Mưu cho biết, theo quy định hiện tại, lực lượng Công an không được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát bí mật để điều tra cán bộ, đảng viên khi chưa có quyết định khởi tố bị can sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội. Chính vì vậy: “Đối với các vụ việc đã khởi tố vụ án hình sự, nếu xét thấy đảng viên có dấu hiệu liên quan đến vụ án đã khởi tố thì cho phép cơ quan điều tra vẫn có thể sử dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh”. Đại tá Trần Mưu cũng đề xuất đoàn kiểm tra kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện. Đối tượng thanh tra, kiểm tra cần tập trung là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp thường xuyên báo lỗ, nợ thuế lớn hay được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế…
Ông Nguyễn Xuân Trường- Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại Đà Nẵng trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định. Qua đó, góp phần hiệu quả cho công tác phòng chống tham nhũng, phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, cơ quan Thanh tra cũng như lực lượng Công an cần phải bám sát và có báo cáo thường xuyên, cập nhật kết quả xử lý các vụ việc đồng thời thẳng thắn đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này ngày càng hiệu quả hơn.
ĐÔNG A