Cần các dự án hạ tầng lớn để tạo động lực mới

Thứ tư, 11/10/2017 08:56

Đầu tư cho hạ tầng sẽ tạo đột phá để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đó là bài học Đà Nẵng đã vận dụng rất hiệu quả trong vài thập niên qua. Nếu như trước đây, hạ tầng đô thị Đà Nẵng phần lớn được đầu tư từ ngân sách thì hiện nay với nhiều hướng tiếp cận mới, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, diện mạo đô thị Đà Nẵng được nâng lên tầm cao mới.

Cảng Tiên Sa đã quá tải, Đà Nẵng cần đầu tư cảng Liên Chiểu để tạo động lực phát triển mới. 

Sức hút từ hạ tầng

Trong diễn đàn đầu tư Đà Nẵng vài ngày tới, bên cạnh việc thu hút đầu tư vào công nghệ cao, du lịch, bất động sản… thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cũng được Đà Nẵng hết sức chú trọng. Nhiều dự án hạ tầng lớn, mang tính động lực phát triển cho Đà Nẵng sẽ được mời gọi đầu tư như: cảng Liên Chiểu, Trung tâm Logistic, di dời ga đường sắt Đà Nẵng, dự án tàu điện kết nối Đà Nẵng- Quảng Nam, các khu công nghiệp CNTT, Công viên phần mềm…

Có thể nói, Đà Nẵng nằm trong số ít địa phương ở miền Trung có hạ tầng cơ sở được đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt về giao thông, y tế, du lịch. Chính nhờ hạ tầng phát triển đã tạo cơ hội lớn để Đà Nẵng thu hút đầu tư. Bà Huỳnh Liên Phương- Phó Giám đốc Ban xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, bên cạnh các cơ chế ưu đãi thì nhà đầu tư (NĐT) rất quan tâm  đến hạ tầng cơ sở ở địa phương mình có ý định đầu tư. Về mặt này, Đà Nẵng có lợi thế lớn khi có cảng thương mại lớn thứ 3 tại Việt Nam với công suất 7 triệu  DWT, dự kiến tăng lên 12 triệu vào năm 2018. Sân bay quốc tế Đà Nẵng lớn thứ ba cả nước, công suất 12 triệu khách/năm, 390 chuyến bay quốc tế/tháng đến 25 thành phố châu Á. 

Ngoài ra từ Đà Nẵng có cao tốc đi Quảng Ngãi kết nối các khu Chu Lai, Dung Quất; có 6 khu công nghiệp đang hoạt động với 1,1 ngàn ha, 3 KCN mới được qui hoạch 1 ngàn ha, khu công nghệ cao thứ 3 của cả nước; cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại nhất toàn quốc… Cũng theo bà Phương, Đà Nẵng còn có lợi thế lớn nhờ hạ tầng giáo dục, các chi nhánh ngân hàng, trung tâm thương mại, 557 khu nghỉ dưỡng và khách sạn với gần 22 ngàn phòng. Nhờ lợi thế về hạ tầng phát triển, đến nay Đà Nẵng đã thu hút được 525 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD. Hiện TP đang xúc tiến 12 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, CNTT, logistics. Riêng dự án Khu Công viên phần mềm số 2 do Tập đoàn Sembcorp làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 91,6 triệu USD hiện đang trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cần nhiều dự án động lực

Những năm qua Đà Nẵng đã chủ động huy động được nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của TP. Nhiều dự án quan trọng đã được đầu tư như dự án xử lý nước thải các khu vực ô nhiễm, các dự án xây dựng đường sá, cầu cống, các công trình giao thông trọng điểm như cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Cổ Cò, đường vành đai phía Nam; các dự án cải thiện điều kiện y tế, giáo dục…Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, Đà Nẵng cần những dự án hạ tầng lớn hơn, có trọng điểm hơn để tạo động lực mới cho sự phát triển. Theo ông Trần Văn Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Đà Nẵng, hiện tại TP đang tích cực thu hút nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm trong giai đoạn mới. Cụ thể trong lĩnh vực giao thông, TP đang thu hút đầu tư vào cảng Liên Chiểu, đảm bảo khả năng tiếp cận tàu có trọng tải lên đến 100 ngàn DWT, tàu container có sức chứa 6-8 ngàn TEU, nhằm phát triển bến cảng này trở thảnh cửa ngõ của khu vực miền Trung, khu bến trung chuyển trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối 4 nước Đông Nam Á ra thế giới, đồng thời giải tỏa áp lực cho cảng Tiên Sa.

Bên cạnh đó, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng cũng là một trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng TP đang xúc tiến triển khai. Bởi lẽ, dự án này sẽ giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trong nội đô, đồng thời cải thiện điều kiện đi lại của người dân TP. Khi di dời ga Đà Nẵng ra vị trí mới cũng sẽ rút ngắn hành trình và thời gian chạy tàu Nam- Bắc, tăng an toàn cho giao thông đường sắt, tăng tính kết nối của hệ thống đường sắt với đường bộ cao tốc và cảng Liên Chiểu, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng lên. Ngoài ra, theo ông Sơn, một dự án hạ tầng hết sức quan trọng nữa được đưa ra thu hút đầu tư tại diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 đó là dự án tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là dự án tiềm năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, khai thác nhằm gia tăng giá trị du lịch, giá trị sử dụng đất và hiệu quả giao thông đi lại giữa hai địa phương.

Trong bối cảnh mới, để Đà Nẵng phát triển đòi hỏi đầu tư vào các dự án hạ tầng cần có tính chiều sâu, mang tính động lực. Trong số 17 dự án hạ tầng Đà Nẵng thu hút đầu tư từ nay tới năm 2020, có những dự án tập trung cho phát triển bền vững, mang tính thiết yếu. Cụ thể như Khu CNTT tập trung số 2 tại Hòa Ninh, Hòa Sơn với tổng vốn gần 320 tỷ đồng; Hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn khoảng 62 ngàn tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp vốn 59,4 ngàn tỷ đồng còn lại ngân sách TP. Hy vọng, các dự án hạ tầng mang tính động lực này được đưa ra tại diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 sắp tới sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nói gì đi nữa, hạ tầng đồng bộ, hiện đại đi trước sẽ tạo sức hút đầu tư rất lớn để Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới.

HẢI HẬU