Cần can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật

Thứ ba, 13/01/2015 11:03

(Cadn.com.vn) - Với trẻ khuyết tật (TKT) nếu được can thiệp sớm (CTS) từ độ tuổi 0 - 5 sẽ rất tốt, đặc biệt là được can thiệp trong môi trường học đường, TKT sẽ có nhiều cơ hội để hòa nhập cộng đồng, có điều kiện để phát triển tâm lý, hình thành thói quen, kỹ năng cá nhân và xã hội tích cực. Tuy nhiên ở giai đoạn tuổi này, hầu hết phụ huynh đều chưa chấp nhận con em họ bị khuyết tật hoặc đang tập trung chạy chữa nên chưa đưa trẻ đến trường. Điều này thật ra không hề có lợi cho TKT...

Đồ dùng dạy học ở phòng học can thiệp sớm cho trẻ nhìn kém được trang trí với những màu sắc tương phản. Ảnh: N.H

Khi các giáo viên (GV) chương trình CTS tiếp cận được với gia đình thì bé N.K.M. (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã trải qua hai lần phẫu thuật đục thủy tinh thể nhưng vẫn không thể cải thiện được thị lực. Bố mẹ bé M. lúc ấy cảm thấy vô cùng bối rối... Thế rồi, đều đặn 2 lần/tuần, các GV hỗ trợ cộng đồng của Trường phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu đến nhà cùng tập luyện, tư vấn, hướng dẫn cho người thân gia đình bé cách chăm sóc em.

Với các bài tập như: nhìn đồ chơi có âm thanh với nhiều kích cỡ khác nhau và nhiều màu sắc tương phản chuyển động để thu hút sự chú ý quan sát của trẻ, di chuyển mắt theo hướng đèn pin, di bút... nhằm rèn luyện thị lực, một năm sau, bé M. đã có thể theo học hòa nhập ở trường mẫu giáo gần nhà. Thời gian đầu bé M. học hòa nhập, cả GV trường mầm non lẫn phụ huynh đều có tâm lý ái ngại, không tự tin. Để tiếp tục duy trì những bài tập thị lực, ngoài việc bé phải thường xuyên đeo kính, các GV trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu còn hỗ trợ cho GV mầm non tại nơi bé theo học một số phương pháp dạy cũng như các loại đồ chơi phù hợp.

Theo các GV dạy TKT thì đối với những trường hợp nhìn kém của trẻ, đồ chơi hay đồ dùng cũng không có gì đặc biệt, có thể tận dụng các đồ chơi có sẵn tại lớp. GV chỉ lưu ý khi đưa đồ chơi cho bé thì phải nói để em chú ý, đưa đúng tầm nhìn và màu sắc của đồ chơi phải tương phản, nếu có âm thanh hoặc chuyển động được thì càng tốt. Khi sắp xếp chỗ ngồi, những trẻ nhìn kém luôn phải được ưu tiên ngồi trước, trong khi chơi cùng thì các bạn không được kéo em đi một cách đột ngột.

Được biết, chương trình nhìn kém của Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu được xem là hướng mở cho những HS không thể theo học ở trường học bình thường vì vấn đề thị lực. Trước đó, nhà trường chỉ giới hạn tuyển sinh cho đối tượng trẻ bị khiếm thị. Với phương châm tận dụng tối đa phần thị lực còn lại của HS, các em được khuyến khích học, đọc chữ sáng bằng cách phóng to cỡ chữ, rút ngắn khoảng cách nhìn, dùng ĐDDH có độ tương phản màu sắc, HS có thể dùng bút lông để viết chữ to...

Trường cũng xây dựng phòng nhìn kém để HS luyện đọc, viết và tập các bài tập thị lực để dây thần kinh thị giác không bị tê liệt. Trong một nỗ lực khác, nhà trường cũng triển khai chương trình tư vấn tại cộng đồng công tác phát hiện và CTS cho trẻ nhìn kém. Các GV chương trình nhìn kém cho biết, các em phải có những bài tập cử động mắt để duy trì dây thần kinh thị giác. Ngoài ra, việc quan sát cũng sẽ giúp cho các em tích lũy kinh nghiệm và kiến thức trong vỏ não... Theo các nhà chuyên môn, nhiều trẻ bị thị lực yếu đã rơi vào tình trạng phát triển tâm sinh lý không bình thường mà nguyên nhân khi nói ra khiến nhiều người không khỏi day dứt: sự thiếu hiểu biết trong phương pháp chăm sóc của gia đình khiến các giác quan còn lại đều bị ảnh hưởng và thị lực của các em ngày một giảm sút

 Một học sinh nhìn kém do bị sẹo giác mạc bẩm sinh trong giờ học giáo dục cá nhân tại trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu.

Đối với chương trình CTS, phụ huynh có vai trò rất lớn, quyết định nhiều đến sự thành công của quá trình can thiệp. Ngoài sự hỗ trợ về mặt vật chất, kỹ thuật trong quá trình CTS, chính thái độ, tinh thần của phụ huynh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành, phát triển nhân cách cũng như kỹ năng cho trẻ. Nếu trẻ được can thiệp tại cộng đồng thì thời gian cùng tập luyện với GV không nhiều, thường chỉ từ 2 - 3 lần/tuần nên cha mẹ chính là người hỗ trợ để trẻ có thể thuần thục mọi kỹ năng.

Không riêng gì trẻ khiếm thị hay nhìn kém, đối với trẻ khuyết tật vận động, khiếm thính, chậm phát triển, trẻ tự kỷ... nếu được can thiệp sớm, sẽ giúp xác định sớm các chương trình giáo dục, y tế thích hợp nhất cho nhu cầu cá nhân của từng trẻ. Tùy thuộc vào mức độ từng loại tật, trẻ được áp dụng những chương trình đã được cá thể hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập sau này. Chẳng hạn, trẻ khiếm thính nếu được phát hiện và CTS, cho sử dụng máy trợ thính thường xuyên sẽ kích thích tế bào lông rung động mỗi khi có âm thanh, làm cho tế bào lông trong tai ngày càng nhạy cảm và có phản xạ nhanh hơn, khắc phục phần nào thính giác cho trẻ. Một khi thính giác được khắc phục, trẻ có thể phân biệt được âm nói nên có thể không rơi vào trường hợp bị câm.

Chẳng có cha mẹ nào lại chuẩn bị cho mình việc tiếp nhận một đứa con sinh ra bị khuyết tật. Hơn ai hết, khi biết chắc chắn con mình được chẩn đoán bị khuyết tật, chính họ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ... Chính vì vậy, CTS, ngoài việc làm giảm gánh nặng về tài chính của gia đình trong việc chữa trị, sự hỗ trợ của các chuyên gia CTS còn giúp cha mẹ về mặt tâm lý cũng như các kiến thức, kỹ năng đặc thù để chăm sóc và giáo dục trẻ.

Khánh Ngọc