Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Cần chính sách đặc thù, vượt trội xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Thứ sáu, 04/04/2025 06:50

Ngày 3-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại Việt Nam (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để rà soát các công việc đã thực hiện, nhiệm vụ thời gian tới nhằm thúc đẩy xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam.

Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo TPHCM, Đà Nẵng là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp.
Ban Chỉ đạo thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo TP Đà Nẵng, TPHCM là thành viên Ban Chỉ đạo.

Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã triển khai nghiên cứu; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về TTTC quốc tế để trình Quốc hội; xây dựng các nghị định hướng dẫn, kế hoạch hành động triển khai xây dựng TTTC quốc tế.

Ban Chỉ đạo đã xây dựng khung đề án; xin ý kiến bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo, tham vấn chuyên gia, tổ chức quốc tế, định chế tài chính, công ty luật, công ty tư vấn, kiểm toán... và tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm phát triển TTTC tại một số nước. Trên cơ sở đó hoàn thiện các hồ sơ, văn bản trình cấp có thẩm quyền xem xét.

TPHCM, Đà Nẵng tích cực, chủ động chuẩn bị các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, bố trí diện tích đất, nguồn lực, xúc tiến làm việc với nhà đầu tư, định chế tài chính lớn, tiềm năng để tham vấn chính sách cũng như kêu gọi đầu tư.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTC quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, các đại biểu thảo luận về định vị chiến lược TTTC quốc tế của Việt Nam so với TTTC trong khu vực; vấn đề tự do hóa tài khoản vốn và ngoại hối; hệ thống thông luật tại TTTC quốc tế; hệ thống pháp luật, các điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế tại TTTC quốc tế; cơ cấu quản lý TTTC…

Kết luận Hội nghị, cho rằng việc xây dựng TTTC quốc tế là vấn đề khó và mới đối với Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương liên quan bám sát kết luận của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề này; tiếp tục hoàn thiện các văn bản, đề án, đồng thời giải trình thêm về các nội dung cần làm rõ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu đề xuất xây dựng mô hình TTTC quốc tế phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển Việt Nam; xây dựng các cơ chế chính sách độc lập, đặc thù, đặc biệt, vượt trội, có sức cạnh tranh; tăng cường hợp tác công tư, thu hút và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp, người dân; xây dựng TTTC tiên tiến, hiện đại, tăng cường số hóa; tổ chức hoạt động và quản lý thông minh, bằng các giải pháp khoa học, công nghệ; có nguồn nhân lực chất lượng cao...

Chỉ rõ lộ trình thực hiện thí điểm TTTC quốc tế có thời hạn 5 năm trở lên, Thủ tướng yêu cầu cân nhắc việc xây dựng 1-2 TTTC hoạt động đảm bảo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều kiện, tiêu chuẩn, luật pháp quốc tế; đảm bảo chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, đảm bảo an ninh, an toàn; có cơ chế giám sát đảm bảo độc lập, với cơ cấu hợp lý, hiệu quả; quy định rõ việc giải quyết các tranh chấp nếu có...

Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo TPHCM, Đà Nẵng là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo việc xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam, đồng thời lưy ý trình cấp có thẩm quyền các quy định phải rõ thẩm quyền trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là xử lý những vấn đề phát sinh mà pháp luật chưa có hoặc thực tiễn vượt qua trong thời gian thực hiện thí điểm; cùng với hoàn thiện các văn bản trình Bộ Chính trị, Quốc hội, bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành soạn thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện.

Phạm Tiếp

Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP Đà Nẵng và TPHCM: Sẵn sàng lĩnh sứ mệnh đi trước, mở đường

Ngày 4-1, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị công bố Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31-12-2024 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính (TTTC) khu vực tại TP Đà Nẵng và TTTC quốc tế tại TPHCM dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

XÂY DỰNG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ: Nền tảng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Sẽ thành lập Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng

Chiều 20-11, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, sẽ thành lập TTTC khu vực tại TP Đà Nẵng và TTTC quốc tế toàn diện tại TPHCM; đồng thời lựa chọn phát triển các TTTC có ranh giới địa lý và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng, theo mô hình “kết hợp” với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình.