Cần có cách tiếp cận mới

Thứ ba, 03/11/2015 08:14

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-11, tham gia phát biểu ý kiến tại Hội trường Diên Hồng, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh: Việc đề ra mục tiêu, chiến lược phát triển KTXH đất nước cần có cách tiếp cận mới. Các chỉ tiêu tăng trưởng GDP là cần thiết nhưng sẽ vô nghĩa nếu dựa trên cách tổng hợp số liệu không sát thực tế. Qua nhiều năm theo dõi, ĐB thấy rằng việc đề ra các chỉ tiêu và xác định mức tăng GDP hằng năm chưa thật sự khoa học. Có thể con số tăng trưởng từng năm đều đạt, song xét kết quả chung của nền kinh tế đòi hỏi phải xem lại.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa

Theo ĐB, việc đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa là đúng, thể hiện nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nhưng không có nội dung cụ thể của một nước công nghiệp hóa. Vì vậy, ngoài yêu cầu nội dung chiến lược và mục tiêu chung, chưa có chiến lược và chỉ tiêu cho từng ngành, lĩnh vực. ĐB cho rằng, một nước công nghiệp hóa trước hết phải thể hiện ở năng lực sản xuất dựa trên nền tảng sản xuất máy móc công nghiệp và tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng đến nay thử hỏi mặt hàng nào của Việt Nam là sản phẩm điển hình thể hiện năng lực kinh tế trên thị trường thế giới?

Thời gian để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa chỉ còn 5 năm nữa, nhưng có lẽ khó đạt được. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm của việc không đạt này? Theo ĐB, ta nói rất nhiều và rất sớm về nội dung công nghiệp hỗ trợ, về nội địa hóa ngành sản xuất ô-tô, nhưng kết quả đến nay còn lâu mới đạt. Vì sao sau nhiều năm xây dựng các khu công nghệ cao mà vẫn chưa đạt yêu cầu như mong đợi? Vì sao sản lượng gạo xuất khẩu nước ta vào loại cao nhất, nhì thế giới nhưng đời sống nông dân vẫn còn nhiều khó khăn? ĐB đề nghị Chính phủ khi lập kế hoạch ở mỗi ngành, lĩnh vực cần có hệ chỉ tiêu cụ thể, các giải pháp năng động và thông minh để triển khai, đồng thời có cơ chế gắn trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo. ĐB đề nghị Quốc hội cần giám sát chất lượng tăng trưởng và đánh giá người đứng đầu các ngành hằng năm thông qua phiếu tín nhiệm; thay đổi cách làm kế hoạch và thay đổi cơ chế quản lý, giám sát là đòi hỏi bức thiết.

ĐB cho rằng, đổi mới cách xây dựng kế hoạch và xác định mục tiêu chiến lược, cần lưu ý nhân tố trung tâm là con người. Cần quan tâm đúng mức tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, vì đây không chỉ là vấn đề có ý nghĩa chính trị mà còn tạo sự kìm hãm phát triển. Theo ĐB, một trong những yếu điểm của nền kinh tế hiện nay là tình trạng khuynh đảo của các nhóm lợi ích. Sự cấu kết giữa những người làm chính sách với các đại gia đang là mối nguy tiềm tàng và lớn nhất trong việc khai thác tối ưu nguồn tài nguyên. Điều đáng lo không chỉ là tình trạng lợi ích nhóm đang ngày càng thao túng, mà nghiêm trọng hơn ở chỗ chúng ta vẫn chưa có một hệ thống luật pháp và cơ chế quản lý đủ mạnh để ngăn chặn nó. Khi sự giàu có của doanh nghiệp không xuất phát từ hoạt động bình thường, năng động của môi trường kinh doanh lành mạnh thì tình trạng bất bình đẳng sẽ xuất hiện.

Trong khi đó, số người nghèo tuyệt đối và tương đối sẽ càng tăng, xã hội xuất hiện các mâu thuẫn tiềm ẩn không thể coi thường. ĐB đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và có sự thay đổi chính sách kịp thời, nhất là tiền lương, vì sự bất cập về tiền lương hiện nay giữa các ngành trong bộ máy Nhà nước sẽ dẫn đến triệt tiêu động lực phát triển và trở thành một vấn đề xã hội - chính trị lớn. Tình trạng bất hợp lý này kéo dài nhưng biện pháp xử lý vẫn chắp vá, thiếu đồng bộ và căn cơ.

ĐB cho rằng, Quốc hội đại diện cho nhân dân, đòi hỏi khi quyết định và giám sát phải thể hiện sự thương dân. Chỉ còn mấy tháng nữa sẽ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa mới, ĐB đề nghị hai việc quan trọng nhất phải chuẩn bị ngay từ bây giờ là sắp xếp bộ máy, tinh giản và sàng lọc biên chế, có cơ chế tuyển chọn phù hợp; đồng thời, phải dân chủ thật sự trong ứng cử, bầu cử. Theo ĐB, sẽ không có sự thay đổi về hiệu quả hoạt động nghị trường nếu thiếu những đại biểu tâm huyết, có năng lực và gắn bó máu thịt với nhân dân.

Phạm Hữu Hoa