Cần có câu trả lời thỏa đáng
(Cadn.com.vn) - Một sản phụ nhập viện trong tình trạng thai nhi bình thường, thiểu ối; thai nhi quá ngày dự sinh 4 ngày, người nhà lo lắng xin được mổ để đảm bảo an toàn cho người mẹ và thai nhi, nhưng bệnh viện cho theo dõi để sinh thường. Đến ngày thứ 3 khi sản phụ không thể sinh thường bệnh viện mới mổ và sản phụ ấy đã phải cắt tử cung, còn cháu bé thì chết không lâu sau khi sinh... Người nhà của sản phụ đau lòng, thắc mắc nguyên nhân vì sao dẫn đến hậu quả đáng tiếc này?
“Lỗi tại đâu”?
Theo trình bày của anh Lê Mốt, xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với PV Báo Công an TP Đà Nẵng: “Ngày 16-9-2013, vợ tôi là Nguyễn Thị Lời mang thai, đến ngày sinh và đến Bệnh viện huyện Duy Xuyên (BVHDX) để sinh. Các bác sỹ của BV khám và thông báo nhập viện với tình trạng thai nhi quá ngày 4 ngày và khô ối phải nhập viện. Gia đình tôi lo lắng cho tình trạng của sản phụ và thai nhi nên yêu cầu bác sỹ mổ, nhưng bác sỹ giữ lại thêm 2 ngày...
Đến 1 giờ sáng 18-9, vợ tôi được cho sinh thường. Như vậy vợ tôi sinh trễ đến 6 ngày, theo hiểu biết của tôi thai trễ ngày lại khô ối nếu không mổ kịp thời rất dễ nguy hiểm đến thai nhi và sản phụ. 5 giờ cùng ngày, bác sỹ Ánh thấy tình trạng của vợ tôi không sinh được mới cho mổ. Đến 7 giờ 30 cùng ngày mới bế em bé ra khỏi phòng và chuyển luôn ra Bệnh viện Phụ sản- Nhi TP Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê. Bác sỹ còn thông báo gia đình tôi xem có ai nhóm máu B thì tiếp máu cho vợ tôi vì vợ tôi đang trong tình trạng mất máu. Bác sỹ còn thông báo đã cắt tử cung luôn cho vợ tôi rồi vì bị u nang 2 bên mới chớm.
Tôi bàng hoàng vì vợ tôi bị cắt tử cung có nghĩa là từ nay sẽ không còn khả năng sinh con nữa. Một quyết định quan trọng đến vậy, tại sao bác sỹ không báo cho người nhà chúng tôi lúc nào cũng túc trực đông đủ trước phòng mổ? Tại sao bác sỹ không thông báo để người nhà chuẩn bị máu sớm hơn? Tôi tức tốc gọi điện cho bố vợ, chị vợ đi 10 cây số đến để xét nghiệm máu, nhưng không có ai có cùng nhóm máu B.
Thật may mắn, có một thanh niên là bạn của cháu tôi cũng đi nuôi bố trong BV, cùng nhóm máu B đã hiến máu cho vợ tôi, nếu không, tôi không biết vợ tôi có qua khỏi không. Còn con tôi, sau khi được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vài ngày sau đó cháu mất. Tôi rất đau lòng, bởi vợ tôi đang mạnh khỏe, thai nhi bình thường, vậy mà chỉ vài ngày tôi đã mất con. Dù quá đau lòng, gia đình tôi vẫn bình tĩnh chờ đợi giải thích của BV, tôi không biết sự việc đau lòng này là do đâu, do BV hay do vợ tôi, do gia đình tôi... Tôi cần câu trả lời rõ ràng”.
Con trai anh Lê Mốt, cân nặng 3.300g, đã mất sau khi sinh vài ngày. |
“Chúng tôi hiểu được bức xúc của gia đình...”
Bác sỹ Nguyễn Văn Thạnh- Giám đốc BVHDX cho biết: Theo đơn của anh Mốt thì có những cái chưa phù hợp. Thứ nhất: anh Mốt nói tại sao khi gia đình yêu cầu mổ thì bác sỹ trả lời : “Đau thì mới mổ, chứ không đau mà mổ gì”, vì khi cổ tử cung mở mới mổ. Thứ hai: anh Mốt cho rằng con anh bị mất do dùng thuốc mê quá liều là không đúng vì BV chỉ gây tê tủy sống chứ không tiêm thuốc mê nên cháu bé không ảnh hưởng vì thuốc mê. Thứ ba: việc cắt tử cung khi mổ thì người thầy thuốc có quyền quyết định trong tình huống khẩn cấp, để đảm bảo tính mạng cho sản phụ, rồi báo người nhà sau. Còn việc thiếu máu, chúng tôi không có ngân hàng máu sống, nhưng bác sỹ, nhân viên y tế của BV sẵn sàng cho máu bệnh nhân khi cần. Chúng tôi hiểu được bức xúc của gia đình.
Cháu bé hít phải nước ối đặc
Bác sỹ Võ Đức Ánh- Trưởng khoa sản, BVHDX, người trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ Nguyễn Thị Lời cho rằng: Sản phụ nhập viện lúc 9 giờ 45 ngày 16-9, thai bình thường, đủ tháng, chưa chuyển dạ vì thiểu ối. Trường hợp thiểu ối, nhân viên y tế rất vất vả, phải thường xuyên theo dõi nhắc nhở sản phụ, thậm chí khi họ đi đâu đó còn phải tìm họ về để theo dõi. Tôi cũng đã giải thích cho gia đình khi gia đình quá lo lắng đòi mổ. Tôi cũng đã làm theo đúng quy định như đã chú ý can thiệp cơ học không hiệu quả, sau đó dùng phương pháp sinh chỉ huy thì tiến triển tốt, cổ tử cung mở, sau 15 phút không sinh thường được, tim thai dao động, đã quyết định mổ lấy cháu bé ra, lúc đó là 7 giờ 10 phút ngày 18-9. Tình trạng cháu bé sinh ra nhịp tim còn, thở yếu, dây rốn mảnh. Khi phát hiện cổ tử cung đờ, chảy máu, ê kíp mổ tăng go, không go được nên các bác sỹ đã hội chẩn trên bàn mổ, quyết định cắt tử cung bán phần thấp để bảo toàn tính mạng sản phụ, chứ không có u nang.
Anh Lê Mốt - chồng của sản phụ Nguyễn Thị Lời: “Tôi cần câu trả lời lỗi do đâu?”. Ảnh: P.V |
Thai phụ bị thiểu ối nên sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai, giúp hạn chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ
Thực tế cho thấy, những tai biến thai sản, biến chứng khi sinh và cả những rủi ro chết người trong khi sinh là điều khó tránh khỏi. Vậy, nên người phụ nữ khi sinh được ví như “vượt cửa tử”. Điều này, chúng tôi hoàn toàn cảm thông và chia sẻ với gia đình anh Mốt, cũng như BVHDX. Tuy nhiên, BVHDX, Sở Y tế Quảng Nam cần sớm điều tra, xác minh nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc đối với sản phụ Lời, để có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình sản phụ.
Để hiểu rõ hơn về trường hợp này, chúng tôi cũng đã trao đổi với các bác sỹ, chuyên gia y tế chuyên khoa phụ sản, để có cái nhìn khách quan vụ việc. Đó là, lời khuyên khi thai phụ bị thiểu ối nên sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai, giúp hạn chế ảnh hướng xấu đến sức khỏe của trẻ; khi siêu âm xác định thiểu ối cần khảo sát thêm các tình trạng bất thường của thai nhi cũng như tình trạng nhau, dây rốn. Đặc biệt, đối với thiểu ối được phát hiện cuối thai kỳ thì để đề phòng biến chứng khi chuyển dạ, thậm chí dẫn đến tử vong thai nhi, phải đề nghị mổ đẻ.
Có 2 nguy cơ cùng một lúc nếu thai quá ngày dự sinh và thiểu ối thì cần phải được chỉ định mổ; trường hợp này khởi phát chuyển dạ thành công thấp; thai phụ cần phải được siêu âm để xác định mức độ thiểu ối, làm Monitoring để theo dõi tim thai, để can thiệp sớm. Trong khi đó, BVHDX hiện chưa có đủ trang thiết bị để làm Monitoring và từ khi sản phụ nhập viện, đến khi quyết định mổ lấy thai ra là sáng ngày thứ 3, sản phụ chỉ được siêu âm một lần...
Còn việc vì sao sản phụ lại bị cắt tử cung, tất nhiên các bác sỹ trả lời là để bảo toàn tính mạng của sản phụ và đây là câu trả lời thuyết phục. Song, điều mà ai cũng biết cháy nhà thì phải dập, nhưng nguyên nhân vì sao cháy nhà mới là điều quan trọng. Trong trường hợp này, vì sao sản phụ lại bị cắt tử cung lại là cả một quá trình. Ở đây, chúng tôi chỉ trích nêu giả thuyết của những người có kinh nghiệm trong sản phụ khoa, đó là: việc cắt tử cung của sản phụ có liên quan gì đến những nguyên nhân khác nữa như khi phẫu thuật lấy cháu bé ra, ối đã vỡ chưa, có tình trạng nhiễm trùng trước đó mà không được phát hiện hay không...? Rất nhiều giả thuyết được đặt ra và câu trả lời đợi các cơ quan chức năng.
Hồng Nhật