Cần có chính sách tính thâm niên công tác cho cán bộ ngành Y tế

Thứ tư, 07/05/2014 10:04

(Cadn.com.vn) - Chiều 6-5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) với hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, công chức, viên chức ngành Y tế TP Đà Nẵng để  nghe tâm tư nguyện vọng và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Các CT tham gia góp ý dự thảo  Luật BHYT và trình bày tâm tư, nguyện vọng.

Tại buổi tiếp xúc, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy gợi ý những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để các CT tham gia góp ý như: Quy định bắt buộc tham gia BHYT; quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT; quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn;  vấn đề thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Góp ý dự thảo Luật, bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn tán thành việc quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc vì đây là vấn đề có tính nhân văn và chỉ có thể áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân.

Bác sĩ Tài cũng thống nhất việc quy định mức cùng chi trả của người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn là 5% kinh phí KCB BHYT như dự thảo Luật thay vì 20% như trước đây. Bác sĩ Tài cũng đề nghị  mạnh dạn đưa vào Luật vấn đề mang thai hộ, vì đây là vấn đề nhân đạo và là nhu cầu có thực của xã hội, cần có Luật để quản lý, tuy nhiên cần có văn bản dưới luật để ràng buộc nhằm hạn chế tiêu cực và lợi dụng để thương mại hóa. Bác sĩ Tài cho rằng cán bộ ngành Y tế phải chịu áp lực từ nhiều phía và thừa nhận những tiêu cực trong ngành Y tế là có nhưng chỉ là phần rất nhỏ còn đại bộ phận các thầy thuốc, nhân viên y tế đều rất yêu nghề, tận tâm với người bệnh.

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước có nhiều quan tâm như có chế độ đặc thù nghề nghiệp, tiền trực được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn bất hợp lý ở chỗ là còn cào bằng, nghĩa là bác sĩ, y tá, điều dưỡng... cùng hưởng một chế độ tiền trực như nhau trong khi trách nhiệm, công việc của mỗi người khác nhau. Bác sĩ Tài cũng đề nghị cần có chính sách tính thâm niên công tác cho cán bộ ngành Y tế như một số ngành: Công an, quân đội, giáo dục... vì y tế cũng là một ngành đặc thù, người càng làm lâu càng tích lũy kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho công việc hơn những người mới vào nghề.

Ý kiến một số ĐB khác đề nghị cần có định nghĩa rõ về BHYT, là doanh nghiệp hay sự nghiệp và xem lại chất lượng BHYT đối với người mua. Có ý kiến ĐB đề nghị bổ sung quy định người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu ở tuyến xã được quyền KCB BHYT ở tuyến huyện và ngược lại với người đăng ký ở tuyến huyện sẽ được KCB tại tuyến xã, những trường hợp này không bị coi là KCB BHYT trái tuyến...

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các CT và hứa sẽ báo cáo, phản ánh với các cơ quan có trách nhiệm để xem xét điều chỉnh và sẽ thực hiện tốt vai trò ĐBQH tại diễn đàn kỳ họp.

K.Thanh