Cần có chính sách tổng lực để chống quá tải bệnh viện

Thứ bảy, 21/07/2012 00:00

BS Phạm Hùng Chiến

(Cadn.com.vn) - Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng bài “Đà Nẵng trước áp lực quá tải bệnh viện”, BS Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với phóng viên xung quanh giải pháp chống quá tải, chuyện tăng viện phí, chất lượng dịch vụ, thái độ bác sĩ... đang là các vấn đề “nóng” dư luận quan tâm.

 P.V: Thưa ông, bao giờ Đà Nẵng mới hết quá tải bệnh viện?

BS Phạm Hùng Chiến: Nếu chỉ phải lo cho dân Đà Nẵng, tôi khẳng định sẽ hết quá tải ngay lập tức. Nhưng y tế thì không có biên giới. Nó còn là câu chuyện nhân văn. Đà Nẵng càng phát triển, càng là động lực của miền Trung, càng có môi trường sống trong lành thì người dân càng đổ về chữa bệnh nhiều. Trước hết phải khẳng định việc quá tải là bệnh trầm kha của ngành Y tế và những người có trách nhiệm, tâm huyết, đang tìm mọi cách để giải quyết. Đà Nẵng có nhiều động lực để người dân từ nơi khác đổ về sinh sống, học tập. Theo đó, việc tăng nhanh dân số cơ học, khiến số bệnh nhân về Đà Nẵng chữa bệnh tăng 30-35% năm. Ngoài ra cũng phải thấy, y tế TP có sức hút nhất định nhờ sự quan tâm, đầu tư lớn của lãnh đạo TP.

Trước đây, ở Đà Nẵng không mổ được tim, sọ não, chạy thận nhân tạo... thì nay đã làm được hết. Những kỹ thuật khám chữa bệnh cao nhất, tiên tiến nhất, đội ngũ nhân lực giỏi không ngừng về đầu quân cho Đà Nẵng, đã giúp cho y tế TP có bộ mặt khởi sắc, là điểm đến uy tín cho người bệnh. Không chỉ người bệnh trong khu vực mà ngay cả bệnh nhân ở Hà Nội, TPHCM cũng tranh thủ về Đà Nẵng chữa bệnh để nghỉ dưỡng tận hưởng môi trường sống trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Nhìn nhận như vậy để hiểu quá tải bệnh viện, nếu hiểu theo hướng tích cực vì đó là ngành dịch vụ chất lượng cao, là điều đáng mừng. Nhưng, chúng ta đang nhìn dưới góc độ an sinh, phúc lợi, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh chính đáng của người dân thì đó là vấn đề nan giải. 

 P.V: Để giải bài toán quá tải bệnh viện, Đà Nẵng sẽ phải đi theo hướng nào?

BS Phạm Hùng Chiến: Số lượng giường bệnh trung bình cả nước là 23 giường/1 vạn dân, nhưng ở Đà Nẵng lên tới 49 giường/1 vạn dân. Mặc dù cao hơn gấp đôi trung bình cả nước, nhưng vẫn quá tải, bởi vì Đà Nẵng là trung tâm của miền Trung, phải đảm nhận chữa trị cho các địa phương trong vùng. Để giải quyết quá tải, trong năm qua, TP đã cho tăng thêm 1.200 giường bệnh. Đây là nỗ lực lớn bởi vì thêm giường bệnh là kéo theo các chi phí (từ 40-50 triệu đồng/giường). Chưa hết, để tiếp tục chống quá tải, TP đã cho xây dựng và đưa vào sử dụng BV Ung thư 600 giường vào tháng 9-2012 này; đang xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng BV Hòa Vang qui mô 100 giường; xây mới khu Hồi sức cấp cứu của BV Đà Nẵng với quy mô 5 tầng, tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng; đưa vào sử dụng khu mở rộng của BV Hải Châu tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng; xây dựng mở rộng khu điều trị kỹ thuật BV phục hồi chức năng...

Song song với việc đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, TP cũng tích cực có các chính sách chiêu hiền đãi sĩ để thu hút đội ngũ nhân lực y tế có trình độ cao về phục vụ. Mỗi năm TP thu hút từ 40-80 BS để bổ sung cho các bệnh viện, tuy vậy hiện tại, ngành Y tế TP còn thiếu khoảng 500 BS nữa, chưa kể hệ thống điều dưỡng. Như vậy có thể thấy, Đà Nẵng đang có chính sách tổng lực để phát triển ngành Y tế, từ nhân lực, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cao... Và, khi Y tế TP càng phát triển, người bệnh từ nơi khác càng tới khám, sẽ lại tiếp tục chạy theo chống quá tải, nên không thể khẳng định khi nào Đà Nẵng mới hết quá tải được.

 P.V: Nói như vậy có phải tình trạng quá tải bệnh viện là do y tế TP phát triển mạnh?

BS Phạm Hùng Chiến: Nếu coi y tế là ngành dịch vụ chất lượng cao, thì y tế càng phát triển sẽ dẫn tới quá tải, theo qui luật nước chảy chỗ trũng. Có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế khá giả, thường đi ra nước ngoài điều trị để được thụ hưởng kỹ thuật cao, khoa học điều trị tiên tiến, thái độ phục vụ niềm nở, tận tâm, dẫn tới chảy máu ngoại tệ. Nếu Đà Nẵng đầu tư được thiết bị hiện đại, thu hút được đội ngũ nhân lực giỏi, có điều kiện cơ sở hạ tầng vật chất phát triển, có thể lôi kéo người bệnh đến chữa thay vì ra nước ngoài. Phát triển dịch vụ chất lượng cao, đó cũng là chiến lược TP hướng tới.

 Đa phần bác sĩ vẫn làm nghề bằng cái tâm chân thành, hết lòng vì bệnh nhân
(Trong ảnh: BS Bệnh viện Đà Nẵng vận động tiền từ thiện để chia sẻ với bệnh nhân nghèo). 

 P.V: Dư luận đang phản ánh rất nhiều chuyện tăng viện phí vào tháng 8 tới khi mà chất lượng dịch vụ y tế không tăng, khi vẫn còn cảnh 2 người/giường, ông đánh giá thế nào vấn đề này?

BS Phạm Hùng Chiến: Ở bệnh viện tuyến quận, khám một bệnh nhân được trả 3 ngàn đồng, ở BV Đà Nẵng là 10 ngàn đồng. Quả thật mức giá đó quá sức chênh lệch so với giá cả cuộc sống thực tế hiện nay. Không thể sống ở điều kiện hiện tại mà áp khung giá mấy chục năm trước. Nhưng việc tăng viện phí không phải để tăng thu nhập cho bác sĩ, mà cái chính để tăng cường trang thiết bị máy móc, kỹ thuật cao. Một chiếc máy tiền tỷ, nhưng điều trị chục năm đã thành lạc hậu. Trước đây, khi đẻ đau đớn, nay có dịch vụ đẻ không đau. Trước đây chỉ khâu da mặt rất to, nhưng giờ nhỏ xíu, khâu xong không để lại sẹo, rồi thuốc men... Tất cả dịch vụ chất lượng cao này bảo hiểm y tế không chi trả. Mặt khác, tất cả nguồn thu tại bệnh viện đều gọi là ngân sách Nhà nước. BV làm gì đều phải xin ngân sách. Như vậy để hiểu có cần phải tăng viện phí? Và cũng để hiểu, những bức xúc về tăng viện phí, đổ hết lên đầu ngành Y tế có hợp lý? Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm, việc tăng viện phí 447 mục từ tháng 8 này, các địa phương khác áp dụng, nhưng riêng Đà Nẵng chưa triển khai, vẫn giữ mức hiện tại.

 P.V: Dư luận cũng phản ánh giữa bệnh nhân điều trị dịch vụ và khám BHYT thái độ của BS rất khác nhau. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

BS Phạm Hùng Chiến: BS phục vụ bệnh nhân từ người có 0 đồng tới người có 1 tỷ đồng. Nếu chỉ quan tâm khúc dưới, khúc trên sẽ bỏ ra nước ngoài chữa trị hết, thiệt thòi còn lớn hơn. Ở dịch vụ y tế chất lượng cao, ngoài phương pháp, kỹ thuật cao thì thái độ phục vụ cũng phải khác, vì đó là dịch vụ. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là chúng tôi xem nhẹ bệnh nhân chữa miễn phí, bệnh nhân nghèo. Có biết bao bác sĩ một đời tận tâm, thậm chí bớt xén lương của mình lo cho bệnh nhân, lo chạy ngược xuôi quyên góp từ thiện lấy tiền điều trị cho bệnh nhân... Làm y tế như làm dâu trăm họ, chẳng biết thế nào là vừa, là đủ. Chúng tôi chỉ quan niệm, làm hết trách nhiệm, bằng cái tâm của mình. 

 P.V: Xin cảm ơn BS!

Hải Hậu

(thực hiện)