Cần đảm bảo cuộc sống người dân khi thu hồi đất tái sinh rừng
Đặt mục tiêu đến năm 2020 tiến hành thu hồi được hơn 20.000 ha rừng lấn chiếm để phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ rừng, chính quyền tỉnh Gia Lai đang làm tất cả những gì có thể hoàn thành sớm kế hoạch đề ra. Đây cũng là nguyện vọng của các ngành chuyên trách, địa phương có diện tích rừng đang sử dụng sai mục đích nhiều năm qua...
Một góc đất rừng tại các địa phương của Gia Lai bị lấn chiếm. |
Trả rừng lấn chiếm, dân lo lắng!
Trong chuyến thực tế viết bài về chuyên đề rừng mới đây, chúng tôi ghi nhận nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai có diện tích rừng rất lớn bị lấn chiếm trái phép. Người dân sau khi lấn chiếm rừng không chỉ canh tác nương rẫy kém hiệu quả mà còn dẫn đến hệ lụy: rừng bị xói mòn, đất bạc màu. Cách đây gần 10 năm, vì thiếu đất sản xuất, anh R'ô Khiên, trú xã Chư Rcăm, H. Krông Pa cùng vợ con khai phá được gần 2ha rừng làm rẫy trồng các loại cây hoa màu, nhưng suốt một thời gian dài canh tác không hiệu quả do đất rẫy ngày càng bạc màu. Thực hiện chủ trương thu hồi đất rừng lấn chiếm của tỉnh Gia Lai, những tháng cuối năm 2017, cán bộ xã Chư Rcăm và H. Krông Pa liên tục đến gặp anh Khiên để vận động chấp hành chủ trương để chuyển diện tích đất này sang trồng cây phù hợp cho mục đích lâm nghiệp. Thấy đây là chủ trương lớn, anh Khiên đã đăng ký thực hiện, tuy nhiên từ khi ký vào biên bản, gia đình anh rất lo lắng, bởi diện tích rừng lâu nay anh làm dù kém hiệu quả nhưng nay trả lại cho Nhà nước, gia đình với năm sáu miệng ăn không biết sẽ phải sống thế nào! "Do không có đất sản xuất, mấy năm qua mình phải phát rừng là để có đất nương rẫy canh tác chứ không có mục đích khác. Nay Nhà nước lấy trồng rừng, gia đình mình chấp hành thôi. Có điều, thiếu đất canh tác thì cả nhà sẽ thiếu cái ăn. Chỉ mong khi Nhà nước thu hồi rồi sẽ bằng cách này, cách khác tạo điều kiện để mình có đất trồng màu, nuôi con, kiếm miếng ăn" - anh Khiên nói.
Tại xã Krong, H. K,Bang, hàng chục hộ dân cũng đang phải đối mặt với cảnh thiếu đất sản suất do chủ trương thu hồi đất rừng lấn chiếm để trồng hoa màu trước đây. Vợ chồng anh Đinh B Lung những năm 2009-2010 phát được hơn 3ha rừng trồng màu. Đất dù không tốt, nhưng trồng các loại cây trái, hoa màu cũng đủ miếng ăn, nhưng nay phải trả lại rừng cho Nhà nước, vợ chồng anh cùng 3 con nhỏ chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Anh B Lung mong mỏi Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho anh bằng cách, hoặc tham gia trồng rừng, giữ rừng cho nhà nước lấy công, hoặc bố trí cho anh một khu đất khác để canh tác, ổn định cuộc sống... Chuyện anh Khiên và anh B Lung âu lo cũng là nỗi lo chung của hàng loạt hộ dân huyện K,Bang, Krông Pa và nhiều hộ dân các địa phương khác có rừng trên toàn tỉnh Gia Lai khi mọi người đồng ý đăng ký thực hiện giao đất rừng lấn chiếm để trồng rừng theo chủ trương lớn. Theo ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Trưởng ban thu hồi đất rừng H. Krông Pa, trong năm 2017, huyện đã lên kế hoạch thu hồi khoảng gần 7.500ha rừng.
Sau khi lên kế hoạch, các cấp ngành liên quan của huyện cùng với chính quyền cấp xã đã và đang tiến hành công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được chính sách thu hồi đất của tỉnh. Nói về chính sách, ông Dụng cho hay, người dân không phải lo lắng quá nhiều, bởi khi trả đất đã lấn chiếm để Nhà nước trồng cây lâm nghiệp, các hộ trả lại rừng sẽ được nhận hỗ trợ với mức 7 triệu đồng/1 ha. Trong khi đó, trước khi rừng trồng khép tán, các hộ dân vẫn có thể có thể tận dụng quỹ đất để canh tác nông nghiệp và song song đó, Nhà nước cũng cân nhắc bố trí một phần đất để họ canh tác hoa màu, ổn định cuộc sống lâu dài. "Đa phần người dân trong diện buộc thu hồi đất rừng lấn chiếm đều tỏ ra lo lắng, nên chúng tôi đang phải tích cực tuyên truyền để dân hiểu. Tuyên truyền vận động xong, chúng tôi sẽ ưu tiên trong giai đoạn 2017-2018 tiến hành trồng rừng ngay theo Nghị định 75 và Quyết định 38 của Chính phủ. Có như thế mới cứu được rừng" - ông Dụng nói.
Giữa đại ngàn Gia Lai, hiện còn hàng chục héc-ta rừng bị lấn chiếm cần phải thu hồi để tái sinh rừng. |
Đảm bảo chính sách cho bà con!
Theo ghi nhận của chúng tôi, để trả diện tích rừng bị lấn chiếm cho mục đích nông nghiệp, năm 2017 mà cao điểm là những tháng cuối năm, chính quyền tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai các giải pháp để thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm, canh tác không đúng quy định. Chủ trương này khi thành công sẽ tăng thêm độ che phủ rừng rất lớn. Tất nhiên thu hồi rừng phải thực hiện song song cách hỗ trợ để người dân trả rừng có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi sống gia đình. Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai khẳng định rằng, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 30.000ha rừng lấn chiếm bị thu hồi để giao cho các ngành, địa phương trồng cây lâm nghiệp. Trước mắt, đến hết năm 2018 sẽ thực hiện xong ít nhất hơn 10.000ha, và 20.000ha còn lại hoàn thành vào đầu năm 2020. Thực hiện chủ trương lớn này, tỉnh Gia Lai đã thành lập 4 đoàn để kiểm tra đôn đốc các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan. Để chủ trương hoàn thành đúng tiến độ đề ra, chính quyền các cấp của tỉnh rất mong bà con sẽ ủng hộ, bởi việc thu hồi đất trả về cho mục đích lâm nghiệp sẽ nâng cao độ che phủ rừng, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp ở địa phương.
Về chính sách hỗ trợ, ông Anh cho hay tỉnh cũng cố gắng tạo mọi điều kiện cho người dân trả rừng, cụ thể là áp dụng chính sách phù hợp để bà con địa phương được tham gia trồng rừng, có thu nhập tốt để nuôi sống gia đình. "Theo văn bản của Nhà nước, việc thu hồi đất rừng để trả về mục tiêu lâm nghiệp, tiến hành trồng rừng là chủ trương rất đúng đắn, tuy nhiên để ổn định cuộc sống của nhân dân, ngoài hỗ trợ tiền, tỉnh cũng chú ý đến lợi ích của người dân, đó là dành một phần diện tích đất trống, đất màu mỡ để dân trồng cây nông nghiệp, kèm theo hỗ trợ cho vay vốn để mọi người vay vốn của ngân hàng chính sách, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng" - ông Anh nói.
Chúng tôi ủng hộ chủ trương lớn của tỉnh Gia Lai, song cũng chia sẻ với nỗi lo của người dân đang có diện tích rừng lấn chiếm nay phải trả lại cho Nhà nước để tái sinh rừng. Chỉ mong, quá trình thực hiện chủ trương, lợi ích của người dân luôn được chính quyền các địa phương đặt lên trên hết như công cuộc tái sinh rừng, bởi khi người dân ổn định cuộc sống họ sẽ gắn bó với rừng hơn.
Quỳnh Chi