Cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các di tích làng Quá Giáng

Thứ sáu, 26/05/2023 15:13
Những ngày này, nhìn đoạn kè kiên cố đang dần hình thành ven sông, dân làng Quá Giáng (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) ai ai cũng phấn khởi. Cụ Đinh Viết Thành trải lòng: "Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ có những ngày ăn ngon, ngủ yên, không còn lo toan mỗi khi nước lũ đổ về, tràn bờ gây ảnh hưởng đến triền đất bao quanh di tích Nhà thờ Chư phái tộc được xây dựng vào năm Tân Tỵ (1821), thờ Quan Thánh và tứ vị tiền hiền của 4 tộc Đinh, Lê, Trần, Nguyễn - những người có công theo Chúa Nguyễn vào Nam khai phá đất đai, lập làng"…
Học sinh khối trung học cơ sở hoạt động, trải nghiệm tại di tích Nhà thờ Chư phái tộc.
Nhà thờ Chư phái tộc làng Quá Giáng chỉ cách điểm đang xây kè ven sông một đoạn khoảng 40m.

Về làng Quá Giáng hôm nay, chúng tôi cảm nhận được một điều rằng, song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, nơi đây vẫn thấp thoáng không gian của một làng quê cổ kính đang được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cộng đồng. Tâm điểm của không gian ấy chính là sự hiện hữu của 3 di tích: Nhà thờ Chư phái tộc làng Quá Giáng (thôn Quá Giáng 2) được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2000, Đình làng Quá Giáng (thôn Quá Giáng 2), Nhà thờ tộc Đinh (thôn Quá Giáng 1) được công nhận là di tích cấp TP vào các năm 2013, 2014. Cả 3 di tích lịch sử này vừa được Nhà nước đầu tư hơn 17 tỷ đồng trùng tu lại nguyên bản...

Trong đó, Đình làng và Nhà thờ Chư phái tộc là niềm tự hào của người dân Quá Giáng. Hằng năm, vào giữa tháng 4 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội Kỳ yên để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Bà con chư phái tộc của làng Quá Giáng xưa, nay là các thôn Quá Giáng 1, 2; Giáng Nam 1, 2; Trà Kiểm; Cồn Mong (xã Hòa Phước) và An Lưu (P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn) đều tề tựu về đây để thắp nén hương tưởng nhớ công đức tiền nhân khai hoang lập làng. Và thông qua lễ hội đình làng lần này (tổ chức vào 2 ngày 27, 28-5 đến), người dân làng Quá Giáng tiếp tục giới thiệu, quảng bá với du khách gần xa về các di tích cổ. Bởi với họ, dù có thay đổi, có đô thị hóa như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải bảo tồn nét xưa, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người "tối lửa, tắt đèn có nhau".

Tuyến đường độc đạo vào di tích Nhà thờ Chư phái tộc nhỏ hẹp và băng qua nhiều ngôi mộ.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm di tích này vẫn còn nhiều hạn chế, du khách muốn đến tham quan cũng gặp không ít khó khăn do đường nhỏ hẹp, không có bãi đậu đỗ, quay đầu xe. Đặc biệt là di tích Nhà thờ Chư phái tộc, ngoài mặt tiền là khu đất thấp, xung quanh thì bị một nghĩa trang rộng lớn bao bọc. Muốn đến tham quan di tích này, chỉ có một con đường bê-tông rộng 2,5m và băng qua nhiều ngôi mộ… Vì vậy, khát vọng của dân làng Quá Giáng lúc này là mong muốn có một vị trí để các phương tiện thủy cập bến nơi đoạn sông đang được kè kiên cố để du khách tham quan, thưởng ngoạn; hoặc di dời một số ngôi mộ để mở rộng tuyến đường độc đạo này…

Học sinh khối trung học cơ sở hoạt động, trải nghiệm tại di tích Nhà thờ Chư phái tộc.

Việc ứng xử với di tích lịch sử, di sản văn hóa với thái độ trân trọng là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi… Cũng chính vì thế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực văn hóa - du lịch nói riêng. Ông Đinh Mùi - Bí thư Chi bộ thôn Quá Giáng 2 chia sẻ: "Công tác đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông cần có nguồn vốn lớn từ Nhà nước và sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân. Giải quyết được vấn đề này sẽ giúp địa phương bước đầu tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động du lịch về với cội nguồn. Có như vậy, mới có thể khai thác một cách tối đa tiềm năng, thế mạnh và phát triển xứng tầm với vị thế của một làng sở hữu nhiều di tích lịch sử tiêu biểu nhất trong khu vực".

Vy Hậu