Cần điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển Vườn Quốc gia Chư Yang Sin

Thứ tư, 11/04/2018 14:40

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đắc Lắc là một trong các khu rừng nguyên sinh cổ xưa còn lại ở Việt Nam, được xem là mẫu chuẩn cho hệ sinh thái rừng ở Tây Nguyên, được thành lập theo Nghị định 194 ngày 9-8-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Đến năm 2002, Chư Yang Sin được chuyển hạng thành Vườn Quốc gia theo theo quyết định số 92/2002 ngày 12-7-2002 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích tự nhiên 59.278 ha. Vườn hiện đang bảo vệ diện tích rừng thường xanh rộng lớn thuộc lưu vực sông Serepok, là một chi lưu của sông Mê Kông.

Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Giá trị to lớn về bảo tồn

Với địa hình trải rộng và được rừng che phủ trên đai cao từ khoảng 600m đến đỉnh Chư Yang Sin cao 2.442m. Đỉnh núi Chư Yang Sin hùng vĩ đã được mang tên là “nóc nhà thứ hai” của Tây Nguyên sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. Với những lợi thế đa dạng về các vùng tiểu khí hậu, các hệ sinh thái đặc trưng cho khu vực Tây Nguyên, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin không chỉ để bảo tồn thiên nhiên mà còn thể hiện lợi thế trong nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch. 

Theo đánh giá của nhóm các nhà nghiên cứu: Nguyễn Thúy Cường, Nguyễn Xuân Vững, Nguyễn Phương Đại Nguyên thuộc Trường Đại học Tây Nguyên: Tuy Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã có phương án quy hoạch bảo tồn, song trong vấn đề quản lý, bảo vệ vườn, phương án quy hoạch này còn bộc lộ một số nội dung chưa hợp lý, chưa thực sự phù hợp với thực trạng và lợi thế của vườn. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hợp lý tiềm năng và thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của vườn, việc đánh giá thực trạng và kiến nghị cho điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia này là rất cần thiết.

Thạc sĩ Lương Hữu Thạnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho biết: Hiện các hoạt động chính của vườn tập trung chủ yếu vào công tác bảo vệ rừng. Do đó trong quá trình hoạt động cần có quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, các trạm bảo vệ kết hợp nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, du lịch sinh thái xây dựng bên trong vùng lõi. Đến năm 2013, đã xây dựng phương án quy hoạch bảo tồn vườn, trong đó có đề xuất xây dựng hai khu dịch vụ hành chính nằm trong vùng lõi, nhưng phương án quy hoạch không chi tiết, không có vị trí xây dựng cụ thể, điều này gây khó khăn cho Ban quản lý Vườn trong xây dựng phương án và xin kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Hiện tại trung tâm dịch vụ hành chính duy nhất của vườn nằm trên Quốc lộ 27 đi Lâm Đồng, thuộc địa phận xã Yangé, H. Krông Bông. Vị trí này cách xa vùng lõi nên khó khăn trong việc quản lý và thực hiện các chức năng khác. Còn 2 khu vực dịch vụ hành chính phân bố tập trung phía Bắc vườn. Nhưng với diện tích vườn lớn, phân bố đa dạng các quần thể rừng, để đảm bảo cho công tác bảo vệ rừng, phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, cần phải có các diện tích quy hoạch cụ thể cho xây dựng các hệ thống đường tuần tra và các trạm bảo vệ rừng, trạm dừng nghỉ về tây, phía nam vườn và khu vực đỉnh Chư Yang Sin. Đồng thời nên có diện tích đất xây dựng đường tuần tra và trạm dừng chân bảo vệ rừng khu vực phía tây sông Krông K'Ma, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng phía tây vào mùa mưa lũ và phát huy tiềm năng du lịch ở khu vực này. 

* Vườn Quốc gia Chư Yang Sin nằm về phía đông nam thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố 50 km. Theo Quyết định số 1427 ngày 16-6-2008 của UBND tỉnh Đắc Lắc, giao 59.531,2 ha đất và cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho vườn để sử dụng vào mục đích rừng đặc dụng. Đến năm 2009 theo Quyết định số 1511 ngày 15-6-2009 của UBND tỉnh Đắc Lắc, đã thu hồi 9,3 ha đất tại tiểu khu 1196 để giao cho Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh xây dựng Khu lịch sử. Vì vậy cho đến nay vườn quản lý diện tích chính thức là 59.521,9ha. Diện tích này nằm trên địa phận hành chính của 10 xã thuộc hai huyện Lăk và Krông Bông. Vườn được phân theo 3 phân khu chức năng gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 53 ha; phục hồi sinh thái 5.361 ha và dịch vụ hành chính gần 840 ha.

Mở rộng diện tích rừng

Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đến năm 2020, nhóm các nhà nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên đề xuất: Trước hết là xây dựng các giải pháp mở rộng diện tích rừng về phía đông nam vườn thêm 7.683,7 ha (gồm 6 tiểu khu 1235; 1236; 1237; 1240; 1241; 1242), khu vực Krông Nô, H. Lăk, nhằm đảm bảo cho nhiệm vụ bảo vệ rừng và vấn đề di cư của quần thể móng guốc khi xây dựng và vận hành đường Trường Sơn Đông. Đây cũng là khu vực tài nguyên rừng còn tương đối nguyên vẹn và chưa giao quyền sử dụng cho các đối tượng sử dụng đất ở địa phương. 

Đồng thời điều chỉnh mở rộng khoảng 4900 ha (gồm 5 tiểu khu 1394; 1404; 1405; 1412; 1417) thuộc địa phận xã Krông Nô, H. Lăk vào khu bảo vệ nghiêm ngặt, vì diện tích đất này chưa có chủ sử dụng và thực trạng rừng ít bị tác động. Cần thiết điều chỉnh quy hoạch xây dựng đường tuần tra và trạm dừng chân bảo vệ rừng về phía tây suối Krông K'Ma (tiểu khu 1342 và 1351). Phân khu chức năng dịch vụ hành chính cần có quy hoạch chi tiết và bố trí diện tích đất cụ thể để thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ tốt các chức năng của vườn. 

Để nâng cao hiệu quả quản lý rừng khu vực trung tâm và phía nam vùng lõi, thuận lợi cho công tác tuần tra, dừng nghỉ của cán bộ quản lý rừng, kết hợp phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục, hoạt động du lịch sinh thái, cần phải quy hoạch vị trí xây dựng bổ sung một số trạm quản lý rừng, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch sinh thái tại một số địa điểm. Cụ thể như khu vực chân núi Chư Pang Phan với đặc trưng hệ sinh thái bảo vệ, nghiên cứu quần thể rừng lá rộng thường xanh; quần thể voọc, sơn dương; có thể kết hợp du lịch leo núi (tiểu khu 1359). 

Phía tây nam núi Chư Yang Sin với đặc trưng hệ sinh thái bảo vệ, nghiên cứu quần thể thông hai lá dẹt, pơ mu; quần thể sơn dương; kết hợp du lịch ngắm cảnh, xem thú, leo núi (tiểu khu 1210). Đông nam đỉnh núi Chư Yang Sin với đặc trưng hệ sinh thái bảo vệ, nghiên cứu quần thể pơ mu, thông 2 lá; quần thể vượn, gấu, khứu đầu đen má xám, mi Lang Biang - một loài chim đặc hữu của vùng Tây Nguyên (tiểu khu 1220). Cùng với kết hợp xây dựng hệ thống đường tuần tra nối giữa các trạm quản lý rừng phục vụ tuần tra, quản lý rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục và triển khai các tour du lịch về phía tây và nam Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

V.H