Cần đổi mới bộ máy quản lý đất đai

Thứ tư, 23/06/2021 15:50

Ngày 22-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến về "Đổi mới, tăng cường, hoàn thiện bộ máy, tổ chức cơ quan quản lý đất đai trong tình hình mới".

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết: Hội thảo  nhằm trao đổi, thảo luận về những thành tựu đã đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa" và tìm ra những định hướng phát triển mới. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện khung pháp lý chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật cho hoạt động phát triển, vận hành và duy trì cơ sở dữ liệu đất đai đã được xây dựng. Luật Đo đạc và Bản đồ đã đặt ra nền tảng pháp lý cho công tác xây dựng hệ thống Hạ tầng dữ liệu Không gian Địa lý Quốc gia (NSDI) tại Việt Nam. Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là vấn đề tiếp cận của người dân đối với dữ liệu không gian địa lý và đất đai của Chính phủ, cũng như công tác xây dựng, cập nhật và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và các giao dịch điện tử.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng hệ thống thông tin đất đai phục vụ kiểm kê, hạch toán đất đai, đăng ký quyền đất đai và tài sản trên đất theo địa chính 3D; hệ thống kinh tế, tài chính đất đai; hệ thống sử dụng đất, quy hoạch; xây dựng hệ thống định giá đất, quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương, hệ thống quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thống nhất từ Trung ương tới địa phương; đảm bảo chia sẻ, liên thông dữ liệu thông tin đất đai với các hệ thống quản lý nhà nước khác, đặc biệt là liên thông thuế. Đồng thời, Việt Nam cần đảm bảo hệ thống thông tin đất đai hoạt động như: Hệ thống kho bạc nhà nước để hạch toán, kiểm toán tài nguyên đất đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; củng cố hệ thống Trung tâm Phát triển Quỹ đất theo mô hình Công ty phát triển đất nhà nước, khai thác quyền phát triển và tạo lập quỹ đất sạch để đấu giá; thực hiện điều chỉnh đất đai và thu hồi giá trị tăng thêm từ đất cho Nhà nước...

Ông Nguyễn Thế Dũng, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, quản trị đất đai liên quan đến các quy tắc, quy trình và cơ cấu cho việc ra quyết định về tiếp cận đất đai và sử dụng đất đai, cách thức thực hiện và thực thi các quyết định cũng như cách thức quản lý các lợi ích cạnh tranh nhau về đất đai. 

Ông Nguyễn Thế Dũng kiến nghị cần hợp lý hóa vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin; giám sát chất lượng và bảo đảm thực thi các tiêu chuẩn nghiệp vụ dịch vụ nhằm hỗ trợ tăng cường hiệu quả chất lượng cung cấp dịch vụ. Đồng thời, Việt Nam cần số hóa dữ liệu và đảm bảo tính liên kết của các hệ thống dữ liệu trên cơ sở chính sách dữ liệu mở, hướng tới tăng cường hiệu quả và tính minh bạch của dịch vụ được cung cấp. Dịch vụ đất đai theo định hướng dịch vụ nhằm thu hồi chi phí, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về những thách thức mà ngành Quản lý đất đai Việt Nam đang phải đối mặt, bà Kate Rickersey, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nhìn chung Việt Nam đã xây dựng một khung chính sách và pháp luật khá toàn diện về quản trị đất đai. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về chính sách cần được sửa đổi từ ngắn hạn đến dài hạn. Ngoài ra, có những hạn chế quan trọng liên quan đến việc thực thi trên thực tiễn. Đô thị hóa nhanh chóng gần đây dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức sử dụng đất và tăng trưởng của Việt Nam. Các thành phố ở Việt Nam đã có tốc độ tăng năng suất cao trong giai đoạn 2005-2017 nhưng vẫn tụt hậu đáng kể về năng suất.

Bà Kate Rickersey đề xuất, Việt Nam cần xác định tầm nhìn quản trị đất đai giai đoạn 2021-2045 hướng tới dịch vụ quản lý đất đai số, tập trung đảm bảo quyền đối với mọi đối tượng sử dụng đất; tuân thủ pháp luật; tính minh bạch và sự tham gia của người dân; định hướng dịch vụ. Đồng thời, việc công nhận quyền sử dụng đất và bảo đảm quyền sử dụng đất, việc đăng ký các thửa đất còn lại và quyền của người sử dụng, ưu tiên các đô thị lớn cần hoàn thành;  làm rõ các điều kiện cho việc gia hạn tự động quyền sử dụng đất và thuê đất sắp hết hạn quy hoạch sử dụng đất, định giá đất;  xây dựng khung pháp lý và thể chế để tăng cường quản lý và giám sát đất công...

Tại hội thảo, nhiều đại biểu  và các chuyên gia lĩnh vực đất đai cũng cho rằng, để chuyển đổi sang một thể chế quản lý đất đai hiện đại, trước hết cần thực hiện những thay đổi mang tính cấu trúc nhằm tăng cường năng lực thực hiện theo hướng gia tăng hiệu quả, hiệu suất và minh bạch; tăng cường định hướng dịch vụ tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, các đơn vị xây dựng và thực hiện các hoạt động truyền thông, tăng cường hiểu biết cho người dân, cũng như các chương trình tập huấn cho cán bộ; thành lập Ủy ban phối hợp chính sách đất đai đa ngành...

Các chuyên gia đề xuất các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần hợp lý hóa vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin; giám sát chất lượng và bảo đảm thực thi các tiêu chuẩn nghiệp vụ dịch vụ, hỗ trợ tăng cường hiệu quả chất lượng cung cấp dịch vụ... Đồng thời, các cơ quan chức năng cần số hóa dữ liệu và đảm bảo tính liên kết của các hệ thống dữ liệu trên cơ sở chính sách dữ liệu mở, hướng tới tăng cường hiệu quả và tính minh bạch của dịch vụ được cung cấp.

DIỆU THÚY