Cần đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư cao tốc
P.V: Xin ông cho biết rõ hơn nhu cầu nguồn vốn cần huy động để triển khai mạng lưới đường bộ cao tốc tới năm 2030?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc dài khoảng 9.014km và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng (đã bao gồm kinh phí cho các dự án chuyển tiếp). Trong đó giai đoạn 2021- 2025 nhu cầu khoảng 390.000 tỷ đồng, mới chỉ cân đối được nguồn vốn ngân sách T.Ư 250.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách. Giai đoạn 2026- 2030 dự kiến nhu cầu khoảng 510.000 tỷ đồng, gồm cả vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn ngoài xã hội.
P.V: Khoảng 600 ngàn tỷ đồng nguồn vốn từ NSNN là rất lớn, vậy phải có giải pháp đột phá nào để huy động, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Trước tiên cần phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại với lãi suất thấp (3-4%) để đầu tư các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn. Sau khi hoàn thành tuyến đường, địa phương khai thác giá trị quỹ đất 2 bên tuyến và các khoản thu thuế, dịch vụ do phát triển hạ tầng giao thông đem lại để hoàn trả NSNN. Cần giao quyền cho các địa phương để có thẩm quyền tạo đột phá trong đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, từ đây huy động cả nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia đầu tư nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương khi tuyến đường bộ hình thành.
Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn NSNN đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông hàng năm đạt 3,5 – 4,5% GDP. Các dự án PPP về giao thông ở khu vực khó khăn thì NSNN tham gia phải đạt trên 50%, như vậy mới dễ thu hút vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài cũng như đảm bảo phương án tài chính khả thi cho dự án. Với các dự án PPP ở khu vực thuận lợi, cần tách ra làm nhiều dự án thành phần, trong đó những dự án thành phần với hạng mục không khả thi như đường gom, cầu thì đầu tư công 100%, còn lại đường chính của dự án PPP thì vốn Nhà nước góp không quá 50%.
P.V: Lâu nay việc kêu gọi vốn các nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, nhu cầu giai đoạn tới cần khoảng 300 ngàn tỷ đồng, điều này nếu không có chính sách đột phá cũng rất khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Cường: Việc kêu gọi nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn do các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro cao,trong khi tỷ suất lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn so với các ngành kinh doanh khác như bất động sản, dịch vụ. Do đó cần điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận lên khoảng 15-18% tùy thuộc vùng, miền. Ngoài ra, cần cho phép các tổ chức tín dụng cho vay vượt khung quy định đối với các dự án trọng điểm Quốc gia được Thủ tướng quyết định, khuyến khích các nhà đầu tư huy động vốn trên thị trường chứng khoán, huy động từ nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận với các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi. Các giải pháp cũng cần phải tính tới như tiếp tục thu phí đối với các dự án BOT trên cao tốc đã hoàn vốn; điều chỉnh giá, phí thu phí đường bộ phù hợp.
P.V: Thực tế thủ tục hành chính trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cũng phức tạp, kéo dài, gây nhiều khó khăn, đây cũng là một nút thắt cần có giải pháp tháo gỡ tạo hấp dẫn cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào dự án.
Ông Nguyễn Xuân Cường: Để cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện dự án cần cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; gói thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư cao tốc. Các địa phương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) cung cấp cho các dự án đường bộ cao tốc đi qua, là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản... Trường hợp huy động được nguồn lực, cho phép triển khai ngay các dự án không phụ thuộc vào thời kỳ quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu tư vấn, xây lắp, tái định cư để triển khai dự án được kịp thời.
P.V: Xin cảm ơn ông đã trao đổi.
HẢI QUỲNH (thực hiện)