Cần dự báo tác động xã hội đến phát triển kinh tế

Thứ ba, 25/03/2014 09:22

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận- thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), nhóm 2: Văn hóa – Xã hội đã làm việc với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội về giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng nhóm, chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, quá trình phát triển nhận thức của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội trong 30 năm đổi mới chính là quá trình phát triển nhận thức ngày càng sâu sắc và rõ nét hơn về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Sự gắn kết tư duy kinh tế và tư duy phát triển xã hội góp phần đổi mới vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội. Chính sách xã hội ngày càng gắn với bảo đảm các quyền cơ bản của người dân tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong từng thời kỳ phát triển, thực hiện công bằng xã hội.

Các nhận thức trên đã được chuyển hóa thành những nhận thức mới trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: giải phóng sức sản xuất, phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho người lao động có việc làm, làm việc trong môi trường an toàn và vệ sinh, tăng thu nhập, bảo đảm công bằng trong phân phối tiền lương và thu nhập; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.

Hệ thống chính sách trong các lĩnh vực đã ban hành khá đầy đủ, kịp thời, thể chế hóa được đa số các nhận thức mới, tư tưởng mới; tạo nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề xã hội trên cơ sở đề cao nhân tố con người; bảo đảm phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực xã hội cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế để giải quyết các vấn đề xã hội; các vấn đề phát sinh do phát triển kinh tế và biến đổi xã hội đe dọa thành tựu phát triển; thách thức đối với hệ thống trợ giúp xã hội và giảm nghèo...

Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động; đổi mới vai trò quản lý xã hội của Nhà nước; nâng cao chất lượng trong dịch vụ xã hội công...

Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đẩy mạnh tuyên truyền những phương thức và hình thức đa dạng, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, tạo việc làm; hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật người có công, xây dựng luật người có công; hình thành hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội theo hướng chuyên nghiệp hóa; đa dạng hóa nguồn lực đồng thời thực hiện lồng ghép để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực...

Các đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo về những mặt làm được, hạn chế trong các lĩnh vực quản lý và thực hiện; phân tích sâu những chính sách không phải thuộc ngành xã hội nhưng có tác động lớn đến đời sống xã hội như: đất đai, cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người dân...

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cần nghiên cứu mô hình quản lý các vấn đề xã hội; dự báo tác động xã hội đến phát triển kinh tế; xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, người sử dụng lao động trong việc bảo đảm mức sống, điều kiện sống tối thiểu của người lao động.

P.H