Cần giải pháp hiệu quả xử lý những vấn đề bức xúc trong xã hội

Thứ tư, 19/04/2017 10:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với  Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn. Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV được truyền hình trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước. Điểm cầu Đà Nẵng do ông Nguyễn Thanh Quang, UVBTV Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chủ trì.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ TT-TT tại điểm cầu Đà Nẵng.

Giải quyết căn bản hồ sơ người có công còn tồn đọng

Chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, ĐBQH các đoàn: Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bến Tre, Hải Dương, Kiên Giang, Hậu Giang, Gia Lai, Tiền Giang, Trà Vinh, Kon Tum, Ninh Thuận... đặt câu hỏi về vấn đề: Giải pháp đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, đặc biệt là các hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề quản lý các trung tâm cai nghiện; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ...

Trả lời nội dung chất vấn về công tác giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện cả nước vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công nhưng chưa được hưởng chính sách. Tuy nhiên, các trường hợp tồn đọng trên chủ yếu do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết hoặc đã giám định nhưng không có thương tích, tỉ lệ thương tích không đủ để xác nhận là thương binh. Về chính sách đối với hồ sơ người có công (NCC) còn tồn đọng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Đến nay cả nước có  5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng. Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập Tổ công tác liên ngành Trung ương giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tiến hành giải quyết thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố. Qua thí điểm, Tổ liên ngành và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thống nhất đề nghị xác nhận 75 trường hợp liệt sĩ, 11 trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Mục tiêu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận đối với 3 nhóm đối tượng là: liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trả lời chất vấn về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tránh tình trạng lãng phí do cung vượt cầu tại các trường dạy nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, các cơ sở giáo dục còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nên Bộ LĐTB&XH đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào 3 "đột phá" là: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tự chủ đối với các cơ sở dạy nghề, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp và  tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tập trung "3 giảm" trong quản lý cai nghiện

Về công tác quản lý người nghiện ma túy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiện cả nước có hơn 210.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó hơn 40.000 người được điều trị tại các cơ sở cai nghiện. Thời gian gần đây xảy ra một số vụ học viên cai nghiện gây rối tập thể, đập phá cơ sở, bỏ ra ngoài với số lượng lớn gây mất ANTT và gây lo lắng trong nhân dân tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh. Nguyên nhân là do việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật; trạng bị vật chất, trang bị xuống cấp, quá tải; khoảng 40% số người vào cai nghiện ma túy có tiền án, tiền sự nên thường kích động, lôi kéo, chống đối cán bộ; chế tài để xử lý đối với các hành vi chống đối, không tuân thủ quy định trại, gây rối, vượt trại của người cai nghiện còn thiếu sức răn đe... Ngành LĐ-TB&XH đã xây dựng 5 nhóm giải pháp quản lý, cai nghiện ma túy, trong đó tập trung "3 giảm" là: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng trăn trở rằng, giao việc cai nghiện cho một ngành dân sự như LĐ-TB&XH là quá sức, chưa hợp lý bởi các đối tượng nghiện rất phức tạp, nguy hiểm, trong khi chế tài răn đe còn thiếu và yếu, thậm chí cán bộ làm công tác cai nghiện không được trang bị công vụ đảm bảo an toàn cho chính mình...

Minh bạch thông tin để ngăn chặn thông tin xấu

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn về công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận; việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các ĐBQH các đoàn: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Bình... chất vấn các vấn đề: Giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc từ các trang mạng, phòng chống tin nhắn rác; định hướng thông tin trên Internet; phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, ngăn chặn phóng viên sai phạm...

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đặt vấn đề hiện nay thông tin tiêu cực luôn được các cơ quan báo chí tập trung khai thác quá nhiều, trong khi những bài viết về người tốt, việc tốt, về nội dung tích cực thì rất hạn chế. Ngoài ra, ông Sơn cũng đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như những giải pháp căn cơ trong việc định hướng, trấn an dư luận trước những thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng gây hoang mang trong xã hội.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ TT-TT thừa nhận rằng, trong thời gian qua, trên một số ấn phẩm báo chí, nhất là báo điện tử khai thác sâu về các vụ án mạng, gây phản cảm, kích động, giật gân câu khách... Bộ trưởng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cơ quan báo chí nếu để xảy ra sai phạm như trên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương  đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề này nhằm chấn chỉnh các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử thực hiện đúng theo tôn chỉ mục đích.

Về giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc, tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế (đã ban hành Thông tư 38), đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... Trả lời về vấn đề tin nhắn rác, Bộ trưởng nêu rõ những nguyên nhân về mặt quản lý, giám sát, qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ TT-TT. Theo Bộ trưởng, sở dĩ chưa giải quyết được triệt để vấn đề này là vì lợi ích của nhiều bên (cả nhà mạng, lẫn đại lý và người dùng...). Để xử lý vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, đã quyết liệt xử lý vấn đề này với tin thần chặn ngay từ đầu ra (ngăn chặn từ nhà mạng), quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia; giảm đầu 11 số; quy trách nhiệm cho các nhà mạng...

Về an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua vấn đề này diễn biến khá phức tạp. Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phải phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm an toàn thông tin mạng; cơ chế phối hợp xử lý sự cố; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực; đảm bảo cơ sở vật chất; hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cảnh báo, bảo đảm an toàn kỹ thuật...

Cũng tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình rõ thêm một số vấn đề liên quan  vấn đề bảo đảm an toàn thông tin; xử lý thông tin xấu độc trên mạng. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một trong những nước xếp đầu về bị mất an toàn do tấn công mạng. Việc mất an toàn, an ninh mạng vô cùng nguy hiểm, gây lộ bí mật, bôi xấu mà còn nắm quyền điều khiển, đánh sập hệ thống mạng gây khủng hoảng kinh tế xã hội. Vì vậy, từng người sử dụng mạng phải có ý thức bảo vệ, ngăn chặn mới giải quyết được vấn đề.

Thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm

Phát biểu kết luận về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phiên chất vấn đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Các nhóm vấn đề được lựa chọn tại phiên chất vấn là những nhóm vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm, cần sớm có những giải pháp xử lý đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn với tinh thần xây dựng cao, thể hiện trách nhiệm của cả người hỏi và người trả lời. Các vị Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp cụ thể, lộ trình thực hiện trong thời gian tới để tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và đại biểu Quốc hội.

K.Thanh - Xuân Đương