Cần học hỏi du lịch quốc tế
![]() |
Một góc chợ nổi ở Pattaya (Thái Lan) đầy sáng tạo. |
Tôi đi du lịch nhiều nước, so sánh những cảnh đẹp ở xứ người với quê hương mình thì thấy danh thắng ở Việt Nam không thua kém gì các nước bạn. Thậm chí có nhiều nước còn thua Việt Nam. Những bãi biển, rừng cây, vườn quốc gia, khu nghỉ dưỡng, di tích, khu sinh thái,... ở nước ta nhiều vô số kể, mang nét đẹp quyến rũ làm say lòng người. Vậy mà xứ người làm du lịch rất tốt, thu hút khách đến tham quan nhiều hơn chúng ta. Nguyên nhân vì đâu?
Tất nhiên, để có được lượng du khách đến tham quan đông đúc thì phải cần nhiều tố làm nên chứ không phải chỉ có cảnh đẹp. Như Thái Lan, nơi thua xa Việt Nam về danh lam thắng cảnh nhưng vì sao du lịch họ phát triển cực thịnh? Ấy là vì họ biết nắm bắt xu thế, không ngừng sáng tạo. Thử nghĩ, chỉ có một con kênh đào nhân tạo nhỏ ở thành phố Pattaya nhưng họ biến thành chợ nổi, làng quê ven sông rất đẹp. Dù có phần giả tạo nhưng khách du lịch đến xem rất hài lòng và mê mẩn. Trong khi ở nước ta, những khu vực có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, vài chợ nổi ở miền Tây vang danh từ bao đời nay nhưng lèo tèo, thưa thớt trông thấy mà ái ngại. Ngay cả chợ nổi Cái Răng (Q. Cái Răng, TP Cần Thơ) cũng không tránh khỏi điều đó, khi mà chợ chỉ thấy toàn là du khách, còn người bán thì lèo tèo. Khách ra về trong nỗi thất vọng khi không thưởng thức được gì nhiều cho một chuyến dậy từ tinh mơ để đi chơi chợ nổi. Đó là do chúng ta chưa chú trọng hình thức và quan tâm đến cuộc sống của tiểu thương. Người Thái làm chợ nổi rất khéo léo. Những tiểu cảnh, những quán ăn trang trí rất bắt mắt làm cho con người ta say đắm đến nao lòng. Họ có nhiều chính sách ưu đãi cho người kinh doanh trên chợ nổi nên thu hút người bán tập trung rất đông, với nhiều gian hàng ẩm thực, quần áo, quà lưu niệm khác nhau tha hồ cho du khách lựa chọn...
Ở Singapore, đường phố sạch đẹp không một tí rác làm cho du khách cảm thấy thân thiện với môi trường. Ai xả rác sẽ bị phạt đến 1.000 SGD(gần 17 triệu đồng) và thậm chí có thể bị "đánh roi". Nếu tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 SGD. Nếu bạn bị kết tội xả rác 3 lần, bạn sẽ bị buộc làm vệ sinh đường phố một tuần với một thông báo đi kèm : "tôi là người xả rác", một hình thức làm người phạm tội xấu hổ để đảm bảo rằng họ sẽ không xả rác một lần nữa. Hình phạt này các nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân chấm dứt hành vi xấu. Riêng ở Campuchia, họ cũng khéo léo cư xử với khách du lịch làm cho người ta mát lòng. Có lần xe du lịch chúng tôi phạm lỗi khi va quẹt xe tuk tuk của họ, họ chẳng giận dữ, ngược lại còn chấp tay nói "i'm sorry" (tôi xin lỗi) và nở nụ cười tươi rói. Ở cố đô Oudong, đường lên núi Oudong, vẫn có cảnh ăn xin nhưng rất nghệ thuật. Những đứa trẻ đến hát tặng bạn một bài, kể cả nhảy múa, nếu bạn thích thì cho, không thì mời họ đi. Nhưng họ không cần nhiều, chỉ 1.000 riel (5.700 đồng) là đủ.
![]() |
Một góc chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) thưa thớt người bán. |
So sánh không phải chê bai ngành du lịch nước nhà mà để chúng ta tự nhìn lại và phấn đấu hơn, khắc phục những khuyết điểm. Tình trạnh "chặt chém" du khách vẫn xảy ra thường xuyên trên khắp các điểm du lịch trong cả nước, làm cho du khách nội địa và quốc tế ái ngại. Dù cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ nhưng câu chuyện xấu hổ này vẫn còn xảy ra. Gần đây nhất là vụ người đạp xích lô "chặt chém" du khách Nhật Bản 83 tuổi một cuốc xích lô 2,9 triệu đồng khiến dư luận giận dữ. Rác và ô nhiễm môi trường nhan nhản ở nhiều điểm du lịch do những người vô ý thức xả bừa, phóng uế... Nạn ăn xin, hàng rong chèo kéo khiến cho khách khó chịu, hoảng sợ. Nhiều người đến một lần không dám quay lại nơi đó lần hai. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm... cộng thêm sự lan truyền của mạng xã hội làm cho du lịch nước nhà mất điểm trong mắt khách du lịch quốc tế.
Vì vậy để ngành Du lich Việt Nam bay cao, bay xa thì phải xóa đi khuyết điểm, nâng tầm ưu điểm, đồng thời học hỏi những cách làm du lịch hay của các nước bạn. Người dân cần tử tế với môi trường, sống xanh sạch ở chính địa phương mình và những nơi khác đi qua. Sức khỏe rất quan trọng nên người bán hàng cần có tâm, không nên buôn bán thức ăn bẩn. Đừng vì lợi ích bản thân mà quên đi lợi ích dân tộc. Đối xử kém tử tế với khách du lịch không những xấu hổ chính bản thân mình mà còn tổn hại đến danh dự quốc thể. Kinh doanh du lịch ai mà không tính lãi, nhưng bất chấp bằng mọi thủ đoạn tiêu cực thì sai hoàn toàn, vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng nên mạnh tay hơn với những ai xả rác, "chặt chém", bán hàng kém chất lượng, chèo kéo khách du lịch... nhằm giúp du lịch phát triển tốt hơn. Phạt thật nghiêm để người vi phạm không tái phạm. Mặt khác, nên khuyến khích, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm du lịch chẳng hạn như giảm thuế, hỗ trợ vốn, hướng dẫn các mô hình du lịch sinh thái...
ĐẶNG TRUNG THÀNH