Cần khẳng định vị trí trung tâm của Mặt trận trong hệ thống chính trị
Ngày 15-5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Về dư hội nghị có gần 100 đại biểu đại diện cho các sở, Ủy ban Mặt trận các quận, huyện, các hội đoàn thể, tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng-Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, việc quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương là một quyết tâm chính trị có tính lịch sử của Đảng và Nhà nước để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Sơn-Chủ tịch Hội Luật gia TP Đà Nẵng, phát biểu: Việc sửa đổi về vai trò, tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Mặt trận trong hệ thống chính trị, thống nhất đầu mối đại diện quần chúng và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua nguyên tắc hiệp thương dân chủ, theo hướng tập trung cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc là hoàn toàn phù hợp với mô hình tổ chức sau khi tinh gọn hiện nay. Đối với việc sửa đổi hệ thống tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là xóa bỏ cấp hành chính huyện, hướng đến mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã) nhằm giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả quản lý là quyết định có tính chiến lược, đồng bộ với các chủ trương lớn của Đảng và tạo tiền đề pháp lý cho các cải cách tiếp theo trong hệ thống chính trị - hành chính của nước ta hiện nay.
Ông Lê Văn Đại-Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, trao đổi, qua tìm hiểu về dự thảo Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là cần thiết. Thực tế đổi mới của đất nước, đòi hỏi phải sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân...
Đó cũng là biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc sửa đổi cần có sự thận trọng, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tính kế thừa và phù hợp với thực tiễn. Đảm bảo khi sửa đổi và triển khai thực hiện Hiến pháp thực sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đảm bảo hoạt động của các tổ chức Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội độc lập...
Ngoài ra, đa số đại biểu đều tán thánh với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm tạo điều kiện thực hiện tốt hơn về chủ trương cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy, đẩy nhanh tiến trình đổi mới… của Đảng đề ra.
M.T
Dòng sự kiện:KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An
Biểu dương 135 nhà giáo làm theo lời Bác
Tăng tốc thi công dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan
Công an tỉnh Đắk Nông mở đợt cao điểm lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
Hải Phòng đón nhận Danh hiệu “Thành phố Anh hùng” và tưng bừng khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025