Cần kíp xây mới cầu Hà Tân

Thứ sáu, 19/01/2018 19:00

Đã hơn 3 tháng qua, cầu Hà Tân bắc qua sông Bàn Thạch, một nhánh của sông Thu Bồn, nằm trên tuyến đường ĐH4, xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam bị gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông giao thông, đời sống hơn 15.000 người dân. Việc gãy cầu cũng ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội tại các xã Duy Vinh (H. Duy Xuyên), Cẩm Kim (Hội An). Tuy nhiên chính quyền và ngành chức năng vẫn lúng túng trong việc chọn phương án sửa chữa lại cầu, hay xây dựng mới lại cầu... 

Cầu Hà Tân đã bị lún gãy nghiêm trọng. 

Đã có phương án để chọn lựa

Ngay sau khi xảy ra sự cố cầu Hà tân bị gãy,  ngày 26-10-2017, Bộ GTVT đã có Công văn về việc khẩn trương khắc phục sự cố cầu Hà Tân. Ngày 27-10-2017, Sở GTVT Quảng Nam cũng có Công văn về việc xử lý khẩn cấp sự cố cầu Hà Tân. Vấn đề hiện nay là đang chờ UBND tỉnh phê duyệt các phương án khắc phục sửa chữa cầu và phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ sửa chữa, dự án khắc phục sửa chữa cầu Hà Tân sẽ do UBND H. Duy Xuyên làm chủ đầu tư.

Trong thời gian qua,  UBND H. Duy Xuyên, Sở GTVT Quảng Nam đã mời Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 308, xây dựng các phương án kỹ thuật sửa chữa cầu Hà Tân. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Mạnh Hiền, Giám đốc Công ty cho biết:  Qua khảo sát hiện trạng thực tế cho thấy, cầu xây dựng từ năm 1994, qua hơn 20 năm sử dụng, nhiều hạng mục kết cấu công trình như lan can, gối cầu hầu hết đã han rỉ nặng... Hệ cọc đóng ở một số vị trí trụ cầu bị nứt vỡ bê-tông lộ thép chịu lực của cọc. Đặc biệt trụ cầu số 9 bị lún 50cm, trụ cầu số 13 bị lún 25cm. Theo khảo sát sơ bộ, nguyên nhân của việc sụt lún cầu là do  hiện tượng xói lở đáy lòng sông rất lớn, gây xói lở móng trụ cầu. Trong những năm qua, tải trọng khai thác cầu không được kiểm soát kỹ, khi có xe tải trọng lớn đi lại nhiều cũng là một tác nhân gây sụt lún trụ cầu. Cầu được xây dựng trong vùng nước nhiễm mặn, nhưng công tác duy tu bảo dưỡng không kịp thời, làm hư hỏng nhanh công trình...

Từ những tính toán trên, công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 308 đã xây dựng 2 phương án, phương án 1 là thiết kế sửa chữa hạ bộ cầu cũ, phương án 2 là xây dựng lại cầu mới. Theo ông Hiền, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, trong điều kiện chưa đủ nguồn kinh phí thì nên chọn phương án xử lý sửa chữa khẩn cấp cầu. Tuy nhiên tối ưu hơn cần huy động nguồn kinh phí để triển khai phương án xây dựng cầu mới. Trước mắt để đảm bảo phương tiện bộ hành và xe thô sơ qua cầu cũ, để không ách tắc trong sinh hoạt của nhân dân địa phương, có thể tạm thời xử lý kê nhịp cầu tại hai trụ bị hư hỏng sụt lún. Đồng thời triển khai ngay việc lập dự án xây dựng  cầu mới, bản vẽ thi công để có cơ sở pháp lý tìm kiếm nguồn đầu tư xây dựng cầu mới.

Ông Hiền cho rằng, với công nghệ, thiết bị thi công sẵn có và kinh nghiệm thi công các công trình như cầu Hà Tân của các đơn vị trong khu vực như hiện nay, thì vấn đề thi công xây dựng cầu Hà Tân khá đơn giản và sẽ đảm bảo tiến độ chất lượng công trình.

UBND xã Duy Vinh đã phải trích hơn 400 triệu đồng làm một cây cầu thô sơ cho nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới thay cho cầu Hà Tân đã gãy. 

Không nên làm chắp vá

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, hôm 16-1-2018, khi HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến xác đáng đã được nêu ra, cầu Hà Tân cũ được xây dựng chỉ có chiều rộng 4 mét, chiều cao cách mặt nước cũng chỉ tầm 5 mét, có tải trọng chỉ dưới 13 tấn, từ nhiều năm nay đã rất bất cập so với tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hiện nay, cầu đã hư hỏng nghiêm trọng, nếu chọn phương án sửa chữa lại cầu, kinh phí  khoảng 30 tỷ đồng, chắc chắn cũng chỉ sử dụng tạm thời được trong thời gian ngắn, cầu sẽ xuống cấp lại, hơn nữa không đáp ứng được nhu cầu phục vụ lưu thông giao thông cho việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Nếu chọn phương án xây mới lại cầu, theo thiết kế, cầu sẽ rộng 7 mét, nâng cao khoảng cách từ mặt nước với sàn cầu lên, thuận tiện cho các phương tiện đường thủy đi lại, cầu có tải trọng từ 30 tấn trở lên, kinh phí sẽ hết khoảng 100 tỷ đồng, số tiền này từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và kinh phí đối ứng. Việc xây dựng cầu mới, sẽ đảm bảo sự an toàn, chắc chắn, đáp ứng nhu cầu đi lại của các phương tiện giao thông, phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Còn nếu chọn phương án sửa chữa lại cầu, thì vài năm sau cầu vẫn xuống cấp, hư hỏng, và phải làm mới lại cầu, như vậy sẽ lãng phí một nguồn kinh phí của nhà nước.

Đã hơn 3 tháng nay, việc lưu thông giao thông tại các địa phương Duy Vinh và Cẩm Kim gặp rất nhiều khó khăn, tất cả các loại phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, hàng hóa, nông sản của địa phương đều tê liệt, phải dùng thuyền ghe, phương tiện nhỏ để vận chuyển đẩy kinh phí, giá thành lên rất cao. Ông Nguyễn Sáu cho biết, nhiều công trình xây dựng của xã, và cả của người dân đều phải dừng tiến độ thi công lại, vừa kéo dài thời gian, vừa tốn kém thêm về kinh phí. Việc đi lại của nhân dân khó khăn, Duy Vinh, Cẩm Kim như  một “ốc đảo”,  việc phát triển kinh tế, xã hội bị ngưng trệ.

Trong những ngày này, UBND xã Duy Vinh đã phải trích hơn 400 triệu đồng để làm một cây cầu bằng vật liệu thô sơ, tạm thời để người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Chính quyền đã treo biển cấm qua cầu Hà Tân, nhưng nhiều người dân vẫn liều lĩnh qua lại trên cây cầu gãy, vô cùng nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác.  Người dân Duy Vinh, Cẩm Kim đang rất mong mỏi chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam sớm xem xét, triển khai và đề nghị rất cần thiết phải xây dựng lại một cây cầu kiên cố, vững chãi hơn để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

HỒNG THANH