Cần làm gì khi bị đề nghị chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu?

Thứ năm, 27/05/2021 15:58

Bạn học hỏi: ông Nguyễn Văn A, trú P. Nam Dương (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), hỏi: Cty tôi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH) đối với nhãn hiệu (NH) "X"., đã được gia hạn lần đầu và thời điểm hết hiệu lực là ngày 20-2-2029. Tuy nhiên, vào đầu tháng 3-2021, tôi nhận được thông báo từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (SHTT) về việc ngày 3-2-2020, C ty B. có gửi đơn đề nghị chấm dứt hiệu lực GCNĐKNH đối với NH "X" của Cty tôi với lý do: NH "X" không được chủ sở hữu sử dụng trong 5 năm gần đây tại thị trường Việt Nam. Vậy tôi cần làm những gì để đảm bảo rằng GCNĐKNH của Cty tôi không bị chấm dứt hiệu lực theo yêu cầu của Cty B. ?

Luật sư Nguyễn Tấn Khoa - Trưởng Phòng Xử lý vi phạm của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Như nội dung đã đề cập tại bài viết "GCNĐKNH sẽ chấm dứt hiệu lực khi nào" được đăng tải tại kỳ báo ngày 4-1-2021, một NH đã được Cục SHTT cấp GCNĐKNH nhưng không được chủ sở hữu NH sử dụng trong vòng 5 năm liên tục mà không có lý do chính đáng thì tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Cục SHTT chấm dứt hiệu lực của GCNĐKNH đối với NH đó, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực. Như vậy, Công ty B. cung cấp tài liệu chứng minh rằng NH "X" của công ty ông A không được sử dụng trong 5 năm gần đây và đã gửi đơn đề nghị chấm dứt hiệu lực GCNĐKNH "X" đến Cục SHTT là quyền được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, công ty ông A vẫn có quyền tự bảo vệ bằng cách đưa ra các bằng chứng chứng minh NH của ông vẫn còn được sử dụng, ít nhất là 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật SHTT 2005 được hướng dẫn tại Điều 21 Nghị định 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, việc sử dụng NH là việc thực hiện các hành vi sau: gắn NH được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; lưu thông (hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm), chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang NH được bảo hộ; nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang NH được bảo hộ. Bất kỳ hành vi nào thuộc một trong các hành vi trên đều được coi là việc sử dụng NH. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, để GCNĐKNH không bị chấm dứt hiệu lực theo yêu cầu của Cty B., Cty ông A cần có văn bản phúc đáp thông báo của Cục SHTT, trong nội dung văn bản, công ty ông phải lập luận và đưa ra được các chứng cứ chứng minh NH "X" vẫn còn được sử dụng, cụ thể là đã thực hiên một trong các hành vi sử dụng NH nêu trên trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày 3-2-2020.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138