Cần làm rõ lời khai nhân chứng và giám định các tài liệu trước khi đưa vụ án ra xét xử

Thứ sáu, 19/05/2017 09:24

(Cadn.com.vn) - Vụ án tranh chấp quyền sử dụng 622,5m2 đất tại P. Hương Sơ, TP Huế (TT-Huế) giữa ông Trần Văn Trạch (1961, trú 191/29-Đỗ Quang, TP Đà Nẵng) và ông Trần Văn Niệm kéo dài hơn 10 năm nay vẫn chưa đến hồi kết thúc. Nguyên nhân là do trong quá trình giải quyết theo thủ tục hành chính, các cơ quan chức năng tại TP Huế chỉ dựa trên những chứng cứ do bên bị đơn cung cấp mà không xem xét toàn diện những chứng cứ có trong hồ sơ nên kết quả không thể hiện đúng bản chất của vụ việc. Đồng thời, khi sự việc được chuyển sang giai đoạn tố tụng do cơ quan thụ lý, Tòa án TP Huế cũng chưa xem xét đầy đủ và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để làm rõ vụ án và kết quả đã bị phía nguyên đơn kháng cáo theo trình tự phúc thẩm. Trong bài viết này chúng tôi không đề cập đến nội dung mà chỉ đề cập đến một số tình tiết cần phải được làm rõ để có thể giải quyết vụ án một cách triệt để, đúng pháp luật.

Trước hết là Biên bản thuận định (biên bản thỏa thuận và định đoạt) được lập ngày 19-2-2002, có nội dung: Hội đồng gia tộc đồng ý giao thửa đất (không có số hiệu), diện tích 622,5m2 cho cháu Trần Văn Niệm sử dụng vĩnh viễn và lo canh tác trồng rau màu... Biên bản này được các ông, bà: Trần Văn Hiện (bác ruột ông Trạch, ông Niệm), Trần Văn Trân, Trần Văn Hiệp, Trần Văn Bang, Trần Thị Thưng, Trần Thị Chuông (cô ruột ông Trạch, ông Niệm), Trần Thị Phụng, Trần Thị Đà cùng ký tên. Tuy nhiên, tại Biên bản ghi lời khai ngày 10-11-2016 của ông Trần Tịnh- Thẩm phán TAND tỉnh TT-Huế, ông Trần Văn Niệm khai: bà Trần Thị Chuông và ông Trần Văn Hiện tự tay ký vào biên bản thuận định. Riêng ông Hiện còn ký thay cho các bà: Phụng, Thưng, Đà. Thế nhưng, bản cam đoan được ký ngày 19-7-2016 bà Trần Thị Chuông, xác nhận: "Biên bản thuận định được lập ngày 19-2-2002 âm lịch là ngày kỵ giỗ của cha tôi. Từ trước đến nay, tôi không tham gia vào các biên bản, kể cả biên bản thuận định ngày 19-2-2002". Và, ông Trần Văn Hiện cam đoan: "Ngày 19-2-2002 là ngày giỗ của cha tôi nhưng không có cuộc họp thuận định, tôi cũng không ký một chữ ký nào cả". Tương tự biên bản thuận định lập ngày 19-2-2002 âm lịch bị nghi là giả mạo, biên bản họp tổ dân phố được lập ngày 7-2-2009 có ghi những người tham gia cuộc họp, ký tên có ông Trần Văn Vệ (tộc trưởng tộc Trần, P. Hương Sơ) và ông Trần Hiện nhưng cả hai người đều xác nhận họ không có mặt.

Ngoài hai chứng cứ có dấu hiệu giả mạo nói trên, trong hồ sơ vụ án này còn có một số biên lai thu thuế nông nghiệp có dấu hiệu tẩy sửa, gian dối khi sử dụng biên lai cũ nhưng ghi ngày tháng mới nhằm hợp thức hóa thời gian sử dụng đất. Cụ thể, biên lai thu thuế sử dụng đất ngày 19-6-2007 mang tên Trần Văn Niệm lại được sử dụng loại biên lai phát hành 199x hoặc biên lai thu thuế ngày 13-5-2008 của ông Niệm cũng là loại biên lai được phát hành năm 199x. Ngoài ra, tại hai bản tự khai cùng chữ ký mang tên Trần Thị Chuông và Trần Văn Hiện có cùng một nét chữ viết và được nộp tại TAND TP Huế đã bị 2 người phủ nhận: Bản tự khai này không do họ tự viết và ký tên...

Với những chứng cứ có những dấu hiệu giả mạo như vậy nhưng vẫn được Tòa án TP Huế xem xét để giải quyết vụ án nên dẫn đến việc HĐXX đưa ra phán quyết không đúng sự thật khách quan. Vì vậy, để phiên tòa phúc thẩm ngày 26-5-2017 sắp đến diễn ra một cách công bằng, Tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế cần làm rõ lời khai của những nhân chứng, đồng thời cho giám định các loại tài liệu có liên quan nhằm đảm bảo việc xét xử một cách khách quan, trung thực và đúng pháp luật.

P.M