Cần làm rõ sự khác nhau giữa lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân

Thứ năm, 04/06/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Thảo luận tại tổ về Luật trưng cầu dân ý (TCYD), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) nhận định đây là một đạo luật rất khó. Luật này đụng chạm đến tất cả các vấn đề bức xúc của xã hội. Nếu đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri mà người dân yêu cầu TCYD, các đoàn thể xã hội yêu cầu TCYD thì cũng phải xem xét, vì luật không cấm người dân có quyền đề nghị TCYD, mà về nguyên tắc luật không cấm thì người dân có quyền đề nghị.

ĐB đề nghị cần làm rõ sự khác nhau giữa việc lấy ý kiến nhân dân và TCYD. Nội dung nào lấy ý kiến nhân dân và nội dung nào phải TCYD hiện nay luật quy định chưa rõ. Nếu chỉ đơn thuần lấy ý kiến nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội thì chúng ta đã làm thường xuyên. ĐB cho rằng khi có luật này rồi thì có còn lấy ý kiến nhân dân không hay chỉ TCYD hoặc phải tiến hành cả hai hình thức lấy ý kiến nhân dân và TCYD? Về kết quả TCYD, ĐB đề nghị cần làm rõ nếu TCYD không đạt kết quả thì có làm lại hay không? Thời gian giữa hai lần TCYD là bao nhiêu cần quy định chặt chẽ ngay trong luật.

ĐB Lê Văn Hoàng (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật TCYD nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp mới, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. ĐB đề nghị những vấn đề đưa ra TCYD quy định tại Điều 7 phải có tầm quốc gia, có ảnh hưởng đến nhân dân cả nước. Còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân. ĐB cho rằng, chủ thể có quyền đề nghị TCYD càng được mở rộng thì dân chủ càng được mở rộng, chất lượng sẽ được nâng lên. Do đó, ĐB thống nhất phương án 2, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN hoặc ít hơn một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị TCYD.

P.H.H