Cần loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả

Thứ bảy, 04/03/2023 16:56
Đó là yêu cầu của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị Tuyển sinh năm 2023, tổng kết công tác tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3-3.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp, vừa là căn cứ cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển luôn được xã hội quan tâm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp, vừa là căn cứ cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển luôn được xã hội quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm của toàn ngành và toàn xã hội quan tâm. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tác động trực tiếp, hệ trọng tới gần 1 triệu học sinh (HS) lớp 12 mỗi năm và 2 triệu HS lớp 10-11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.Kết quả tuyển sinh cũng là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường ĐH. Tuyển sinh tốt cũng sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường và từ đó có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học, xã hội.

Đối với toàn xã hội, việc các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề được các sinh viên lựa chọn sẽ tác động tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, cùng với phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội, đất nước.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Hàng năm, Bộ GD-ĐT phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, điều phối chung của hệ thống. Không những thế, Bộ rất quan tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT,để bên cạnh mục tiêu đánh giá việc dạy-học của các trường THPT, còn lấy căn cứ cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển.

So với nhiều năm trước đây, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi lựa chọn các ngành học tốt nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, mỗi năm, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn những sai sót, bất cập, cần phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, bởi mỗi sai sót nhỏ có thể tác động rất lớn đến toàn hệ thống. Sự tham gia của các Sở GD-ĐT, trường phổ thông trong việc dạy - học, tổ chức kỳ thi, hướng dẫn học sinh đăng ký xét tuyển các trường ĐH, cũng như hướng nghiệp vào các trường, các ngành nghề đóng vai trò rất quan trọng trong sự lựa chọn của các em, cơ hội thành công của học sinh. Các trường ĐH xây dựng phương thức xét tuyển khác nhau, tổ chức hình thức thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, thi năng khiếu, xây dựng các tiêu chí xét tuyển, công bố điều kiện, phương thức xét tuyển và phối hợp với nhau xét tuyển chung trong hệ thống để bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học.

Thông tin về công tác tuyển sinh năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, tuy nhiên, cần lưu ý một số thay đổi về chính sách ưu tiên. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ có một số giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.

Liên quan đến quá trình, phương thức xét tuyển, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đồng thời, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. Bộ cũng yêu cầu các trường phải có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các trường triệt để thực hiện các nguyên tắc theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh. Căn cứ kế hoạch tuyển sinh của Bộ, các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó, phải đảm bảo thống nhất với kế hoạch của Bộ và được công khai, minh bạch để xã hội, cơ quan quản lý giám sát, đảm bảo công bằng đối với tất cả các thí sinh tham gia dự tuyển. Các thí sinh được cung cấp thông tin đầy đủ, chuẩn xác, rõ ràng, nhất quán, đúng thời gian để có quyết định lựa chọn theo nhu cầu, hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển của thí sinh do những quy định không liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Về phía Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hóa giao diện đăng ký xét tuyển. Việc đăng ký xét tuyển sẽ được đơn giản hóa, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, nhằm giảm tối đa nhầm lẫn.

Đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong mùa tuyển sinh đại học năm trước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết: Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học(dưới 1%).Vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…

V.H