Cần nhân rộng mô hình Bác sĩ gia đình

Thứ bảy, 16/07/2016 09:48

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu

 Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Năm 1995, có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo Y học gia đình. Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hoạt động BSGĐ đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố nhưng còn nhỏ lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình.

Tính đến tháng 6-2016, đã có 336 phòng khám BSGĐ được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%). Các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ theo mô hình của Bộ Y tế quy định. Tại các phòng khám BSGĐ, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.

Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, việc triển khai hoạt động BSGĐ ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám BSGĐ, nên các phòng khám BSGĐ tư nhân còn quá ít; người dân còn thiếu hiểu biết về mô hình phòng khám BSGĐ. Bên cạnh đó, phí dịch vụ khám bệnh tại nhà, tư vấn, sàng lọc chưa được thanh toán BHYT cả đối với các trường hợp có thẻ BHYT; chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân…

 Kết quả hoạt động của các phòng khám BSGĐ tại Việt Nam và kinh nghiệm ở những nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Đây là cơ sở để ngành Y tế triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh.

Việc nhân rộng mô hình BSGĐ là cần thiết bởi nó sát dân nhất, tiết kiệm nhất và có mối quan hệ lâu dài, bền vững với người bệnh.

Cần thiết nhân rộng 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ thành công, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần quan tâm chỉ đạo và đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở nói chung và phát triển BSGĐ nói riêng theo định hướng, kế hoạch của Bộ Y tế; chỉ đạo Sở Y tế phát huy kết quả bước đầu, triển khai quyết liệt mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương, lựa chọn một số đơn vị (trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám BSGĐ tư nhân) để xây dựng mô hình phòng khám BSGĐ hoàn chỉnh, làm điển hình nhân rộng tại địa phương và cả nước. Đồng thời, quán triệt sâu sắc đến cán bộ y tế để có nhận thức, hiểu biết đúng về vai trò, nhiệm vụ và ý nghĩa của việc phát triển BSGĐ ở nước ta sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. 

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để phát triển và nhân rộng mô hình phòng khám BSGĐ, Bộ Y tế và các địa phương cần phải tạo cơ chế tài chính thống nhất cho hệ thống đơn vị y tế cơ sở, nhất là hệ thống trạm y tế - cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đồng thời, cần phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bác sỹ tại các trạm y tế cơ sở; tăng cường công tác truyền thông và đẩy mạnh ứng dụng CNTT để liên thông các trạm y tế trong việc triển khai thanh toán BHYT.

Theo Phó Thủ tướng, việc nhân rộng mô hình BSGĐ trong toàn quốc là cần thiết bởi lẽ mô hình này sát dân nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất và có mối quan hệ lâu dài, bền vững với người bệnh. Khi phát triển mô hình BSGĐ góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe người dân một cách nhanh chóng. Nhiều nước đã coi BSGĐ như người "gác cổng" trong hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Hoạt động BSGĐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho bác sỹ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí BHYT, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội.

 "Với nước ta, bây giờ mới bắt đầu thì không thể hy vọng một sớm một chiều mô hình phòng khám BSGĐ sẽ phát triển. Nhưng chắc chắn sẽ thành công vì với một mạng lưới trạm y tế phủ sẵn ở hơn 11 nghìn xã, phường trong cả nước có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có sẵn cơ sở vật chất, khi mô hình BSGĐ lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế là có thể thực hiện ngay trên diện rộng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Lê Hùng