Cần nhiều hơn những dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi
(Cadn.com.vn) - Nhắc đến văn học thiếu nhi những năm gần đây hẳn có không ít những nhìn nhận như: chưa đáp ứng được nhu cầu độc giả, tác phẩm nước ngoài lấn át tác phẩm trong nước, đội ngũ viết cho thiếu nhi còn thưa thớt, thiếu những cây bút chuyên tâm, chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi, văn học thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức... Tuy nhiên, không thể phủ nhận trong suốt 10 năm qua vẫn có nhiều tâm huyết bền bỉ dành cho văn học thiếu nhi mà không thể không kể tới Dự án hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhìn lại hoạt động 10 năm dự án chưa đủ để vui mừng nói rằng bức tranh văn học thiếu nhi đã thay đổi hoàn toàn trong cái nền chung của văn học nước nhà, nhưng lại khiến chúng ta đặt kỳ vọng vào sự khởi sắc và những tín hiệu tốt đẹp dành cho văn học thiếu nhi trong tương lai.
Sách văn học cho thiếu nhi-dù nhiều nhưng vẫn thiếu. |
Trong 10 năm qua, nhìn vào kết quả từ các cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi hẳn không ít người vui mừng nhận ra nhiều cây bút mới, một số tác giả còn rất trẻ góp mặt vào dòng chảy văn học thiếu nhi như: Trương Tiếp Trương, Vũ Hương Nam, Đinh Thị Thu Hằng, Ngọc Linh, Lục Mạnh Cường, Nguyễn Ngọc Hoài Nam... và mới đây nhất là Nguyễn Thị Kim Hòa - một gương mặt thân quen và từng nhận giải cao nhất trong cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Không những thế, phần lớn những tác giả mới này còn được giải cao. Hy vọng từ sự bén duyên với văn học thiếu nhi, đội ngũ tác giả này sẽ có thêm động lực và niềm hứng khởi để viết tiếp văn học thiếu nhi.
Bên cạnh các tác giả mới như một sự phát hiện của văn học thiếu nhi, dự án hỗ trợ văn học trong suốt 10 năm qua còn thu hút được sự góp mặt của những nhà văn đã thành danh như Trần Quốc Toàn, Trần Đức Tiến, Kao Sơn, Nguyễn Thái Hải... Hầu hết là những nhà văn đã và đang viết cho thiếu nhi song song với các sáng tác khác. Dự án đã có 8 cuộc vận động sáng tác với 4.000 tác phẩm, trong đó có 104 tác phẩm truyện và tranh truyện đoạt giải với nhiều đề tài hấp dẫn dành cho lứa tuổi từ 3-14 tuổi. Đặc biệt, thông qua dự án, độc giả cũng như tác giả trong nước được tiếp cận với thể loại văn học giả tưởng dành cho thiếu nhi còn khá mới mẻ và thưa thớt ở Việt Nam.
Điều khá hữu ích dành cho văn học thiếu nhi từ dự án này chính là các hoạt động diễn ra song hành với các cuộc thi. Từ các buổi hội thảo, tọa đàm các tác giả được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như phương pháp sáng tác cho thiếu nhi. Nhiều tác giả đã yêu mến, gắn bó, say mê và có nhiều trải nghiệm với văn học thiếu nhi hơn thông qua các hoạt động này. Khép lại mỗi cuộc thi, nhà xuất bản Kim Đồng lại có thêm những cộng tác viên thân thiết, làm tăng thêm số lượng sáng tác dành cho thiếu nhi.
Độc giả thiếu nhi luôn là đối tượng được quan tâm và hướng đến. Trong 10 năm qua đã có gần 50 chuyến tàu kể chuyện lăn bánh khắp mọi miền đất nước, 16 câu lạc bộ bạn đọc được hình thành, hơn 43.000 bản sách được trao tặng cho thiếu nhi cả nước. Những nỗ lực của các hoạt động trong dự án 10 năm qua luôn có xu hướng khơi mở cơ hội để người viết dành cho văn học thiếu nhi chứ không đóng chặt cửa khi dự án khép lại. Kinh nghiệm được chia sẻ, học hỏi sẽ là hành trang quý báu cho các cây bút sau này. Đây là điều đáng quý và hữu ích...
Được biết, dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch chỉ còn kéo dài một năm nữa với hình thức triển khai khác với cách làm 10 năm qua. Điều này cũng đồng nghĩa là những cuộc thi sáng tác truyện và vẽ tranh truyện sẽ không còn nữa, những tác giả trẻ và mới sẽ không có cơ hội được góp mặt và vinh danh trong các cuộc thi. Và như vậy động lực để thúc đẩy, khơi gợi những gương mặt mới dấn thân vào văn học thiếu nhi sẽ kém thu hút và có thể sẽ bị... quên. Giải thưởng nào rồi cũng qua, người cầm bút đi đường dài không chờ có giải thưởng hay không mà vẫn cầm bút nhưng rõ ràng giải thưởng vẫn đóng vai trò khá lớn để các cây bút trẻ thử sức.
Tuy nhiên, không ít người sẽ đặt ra câu hỏi, liệu khi dự án kết thúc thực sự, không có nguồn kinh phí hoạt động từ dự án thì các câu lạc bộ bạn đọc - đối tượng độc giả thiếu nhi của 16 câu lạc bộ trên cả nước đã được gây dựng từ dự án có hoạt động tốt và hiệu quả không? Không ít người đã ngậm ngùi và tự đặt câu hỏi, liệu sẽ có những dự án tương tự tiếp diễn như món quà tuyệt vời mà chính phủ Đan Mạch dành cho thiếu nhi Việt Nam suốt 10 năm qua hay không. Có lẽ, trong bối cảnh hiện nay, văn học thiếu nhi muốn thực sự khởi sắc cần nhiều dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi tương tự như thế này. Và ở mỗi tỉnh thành, mỗi Hội Văn học Nghệ thuật địa phương cần có những nỗ lực, thậm chí tìm kiếm những dự án phù hợp với khả năng và điều kiện của địa phương mình thì chúng ta mới hy vọng văn học thiếu nhi có một phép mầu.
Hiền Nguyễn