Cần quan tâm đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa-giáo dục

Thứ năm, 15/10/2015 12:17

Bà TRẦN THỊ THÚY HÀ- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu:

Mong TP quan tâm, đầu tư hơn nữa cho giáo dục

 

(Cadn.com.vn) - Nhiệm kỳ đến người dân mong TP quan tâm đầu tư nguồn vốn, nguồn lực, để tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho các trường tiểu học (TH), đảm bảo được 100% HS TH được học 2 buổi/ngày. Trên cơ sở các nguồn đầu tư đó, tập trung xây dựng, cải tạo các phòng thư viện, phòng bộ môn theo hướng hiện đại và đạt chuẩn, để tiến tới việc nâng dần tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia ở các bậc học, đặc biệt là đối với Q.Hải Châu. Quan tâm hơn nữa về các chế độ, chính sách cũng như tạo điều kiện để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn TP sớm thực hiện được Đề án "Sữa học đường" nhằm nâng tầm vóc của người Việt theo đúng chủ trương của Chính phủ. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Nghị định 86 quy định về mức trần thu học phí đối với các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân,  mong rằng HĐND họp để phê duyệt nâng mức học phí ở mầm non. Nếu chúng ta tăng được nguồn học phí, sẽ góp phần giảm bớt tình trạng lạm thu trong nhà trường. Chủ trương về xã hội hóa giáo dục (XHHGD) đã  có, tuy nhiên hành lang pháp lý cũng như cơ chế vẫn còn bó hẹp, chưa tạo điều kiện thuận lợi để các trường mạnh dạn trong công tác XHHGD. Mong TP có một cơ chế thống nhất, thông thoáng để có thể huy động tối đa trong công tác XHHGD.

Và cuối cùng là vấn đề liên quan đến nhu cầu bức thiết trong công tác quản lý, vừa là nhu cầu của phụ huynh đó là  đầu tư xây dựng nhà trẻ công lập nhằm giải quyết bài toán nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi. Đối với Q.Hải Châu thì quỹ đất hiện nay không có nhiều, hy vọng TP quan tâm thì cấp quỹ đất theo dạng xây dựng các nhà trẻ công lập theo cụm liên phường.

Họa sĩ NGUYỄN TRUNG KỲ:

Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa miền Trung-Tây Nguyên

 

TP Đà Nẵng những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, điều này không chỉ có người dân trong nước, mà cả bạn bè quốc tế cũng công nhận. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến một lĩnh vực khác, đó là văn hóa. Đã từng có thời gian, Đà Nẵng chỉ tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đô thị mà không chú trọng phát triển văn hóa, điều đó dẫn đến nhiều bất cập. Nhưng đáng mừng là lãnh đạo thành phố đã nhận ra điều này và có những quyết sách đầu tư mạnh mẽ để xây dựng, phát triển văn hóa. Từ Thư viện Tổng hợp thành phố đến Bảo tàng Mỹ thuật hay hàng loạt các công trình thiết chế văn hóa cơ sở... được đầu tư xây dựng đã đưa văn hóa Đà Nẵng tiến một bước dài, giúp người dân được hưởng thụ văn hóa nhiều hơn.

Tôi lấy ví dụ, khi xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật thì Đà Nẵng là một trong 3 địa phương trên cả nước, chỉ sau Hà Nội và TPHCM có bảo tàng lưu giữ những tác phẩm hội họa đặc sắc, các họa sĩ rất phấn khởi và vui mừng khi biết thông tin này, nó cũng tạo động lực để họa sĩ sáng tác. Được biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI đã chỉ ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng theo hướng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung và đô thị lớn của cả nước, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong đó, ba hướng đột phá được Đà Nẵng xác định cho thời gian tới là chú trọng hàng đầu đến chất lượng, tỷ trọng trong phát triển; chỉ ra yêu cầu rất cao về tính đồng bộ; phải nâng cao nhanh chất lượng sống; khẳng định tính nhân văn, văn hóa... Như vậy, ngoài phát triển kinh tế thành phố còn rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng sống cho người dân trong nhiệm kỳ đến. Vì vậy tôi tin tưởng và kỳ vọng văn hóa Đà Nẵng tiếp tục khởi sắc, thành phố sẽ trở thành trung tâm văn hóa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

P. Thủy-H. Anh