Cần quan tâm đến lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước
(Cadn.com.vn) - Trong công tác xây dựng luật tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã và đang thảo luận nhiều dự án luật, trong đó có dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung. Tuy có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nhưng dự thảo luật này vẫn chưa thật sự trở thành điểm tựa cho các DN khi tiến hành đầu tư và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, DN, Nhà nước... P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Kinh kế-Hợp tác đầu tư, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam về những vấn đề này.
Ông Đoàn Ngọc Minh |
P.V: Thưa ông, trong lần sửa đổi bổ sung này Luật Đầu tư cần quy định như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 nhóm lợi ích trên?
Ông Đoàn Ngọc Minh: Trong Dự thảo Luật Đầu tư lần này chưa thể hiện rõ ràng, thiếu cụ thể về mối quan hệ của 3 nhóm lợi ích là: Người dân, DN và Cơ quan quản lý Nhà nước. Người dân mong môi trường sống ngày càng tốt hơn, thu nhập ngày càng tăng, an sinh xã hội được đảm bảo...; DN mong nhiều lợi nhuận thu được, góp phần phát triển bền vững, vừa đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước; Cơ quan Nhà nước quản lý, kiểm soát được sự phát triển và điều chỉnh những bất hợp lý, cân bằng sự xung đột giữa 2 nhóm trên.
Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi lần này chưa đề cập đến vấn đề này, chỉ đứng ở góc độ DN để nhìn nhận nên cần quy định rõ về vai trò quản lý về đầu tư của các cơ quan chức năng. Vì tất cả các dự án đầu tư dù nhỏ nhất song khi đi vào hoạt động vẫn có ít nhiều tác động đến dân sinh và môi trường, do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chuyên môn cần có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) để xem xét các tiêu chuẩn theo quy định trước khi cấp các Giấy phép liên quan đến dự án về đất đai, môi trường...
Vì vậy, khi dự án được DN đăng ký phải có GCNĐKĐT, vì nó là văn bản cốt lõi quy định những nội dung cơ bản về dự án được điều tiết trước tiên bởi Luật Đầu tư, sau đó đến các luật liên quan khác. Đồng thời, dự thảo Luật hiện nay “quá thoáng” cho DN mà quên lợi ích của 2 nhóm còn lại, ví dụ: dự thảo Luật không có cơ sở thực tiễn, làm xáo trộn các quy định pháp lý của các văn bản luật liên quan khác đã được hình thành và đã được thực hiện. Điều đó cho thấy Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 chưa đặt mối quan hệ chặt chẽ của 3 nhóm, trong đó Nhà nước gần như từ bỏ nhiệm vụ của mình và nhóm đầu tiên là người dân dễ bị thiệt hại. Do đó, cần bổ sung thêm những quy định nhằm quan tâm đến mối quan hệ giữa lợi ích cả ba nhóm.
P.V: Theo ông, cần quy định gì để Luật Đầu tư sửa đổi và Luật DN gắn kết hơn nữa?
Ông Đoàn Ngọc Minh: Luật DN là luật cơ bản để hình thành Luật Đầu tư. Vì vậy, mọi sửa đổi của Luật Đầu tư phải được căn cứ vào nội dung của Luật DN. Những quy định trong Luật DN không thể thiếu trong quy định của Luật Đầu tư. Ở Điều 24 của dự thảo Luật Đầu tư về thủ tục không có Quyết định của Chủ tịch HĐTV hoặc HĐQT về việc đầu tư (ông chủ) mà chỉ có Bản đăng ký cấp GCNĐKĐT do Giám đốc ký (người làm thuê).
Trong khi đó, Điều 47 và 108 Luật DN ghi rõ HĐTV, HĐQT là người quyết định đầu tư, kinh doanh của DN. Mặc dù là thủ tục, nhưng rất nguy hiểm khi tranh chấp pháp lý xảy ra giữa cơ quan Nhà nước và DN. Đây mới chỉ là một điểm không đồng nhất giữa Luật DN và Luật Đầu tư. Do đó, cần rà soát lại những quy định trong luật Đầu tư sửa đổi lần này một cách kỹ càng để tránh những khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý những mâu thuẫn phát sinh trong việc thực hiện đầu tư.
P.V: Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 cần chú trọng đến những quy định như thế nào để thu hút đầu tư, phát triển DN trong nước?
Ông Đoàn Ngọc Minh: Với Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi lần này, tôi thấy gần như đây là Luật Đầu tư nước ngoài, chứ không phải là luật đầu tư chung cho những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phần đầu tư trong nước thì viết chung chung, phần nước ngoài viết nhiều, nhưng chưa chặt chẽ ở phần quản lý. Tình trạng trốn thuế, sang nhượng, mua bán giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài... chưa đưa ra được quy định cụ thể để giải quyết một cách rõ ràng, chỉ tập trung phần thu hút đầu tư. Vì vậy, các điều, khoản của Mục 2 quy định “Thủ tục đầu tư ra nước ngoài”, cần phải xem lại một cách nghiêm túc. Cụ thể, đối với DN trong nước khi đầu tư ra nước ngoài phải trình các thủ tục qua Bộ KH-ĐT để được cấp phép.
Trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần photocoppy hộ chiếu và làm thủ tục là cơ quan quản lý đầu tư Việt Nam cho phép. Trên thực tế, các DN nhỏ và vừa ở các tỉnh có biên giới với Lào và Campuchia không thể mang hồ sơ ra gặp Bộ KH-ĐT để xin cho phép đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo hoặc bò ở Lào, Campuchia... Do vậy, để khuyến khích phát triển, Luật Đầu tư sửa đổi lần này cần có những quy định thoáng hơn theo thủ tục cải cách hành chính nhằm giúp các DN nhỏ và vừa có cơ hội đầu tư trong nước lẫn ngoài nước. Đồng thời có những quy định chặt chẽ hơn, buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là vấn đề cam kết bảo vệ môi trường...
P.V: Xin cảm ơn ông.
V.Thi (thực hiện)