Cần quy hoạch, xây dựng trường mầm non cho con em công nhân khu công nghiệp

Thứ năm, 25/01/2018 10:57

Ngày 24-1, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm Trưởng đoàn về công tác quản lý Nhà nước đối với Giáo dục mầm non, khảo sát liên ngành về tình hình thực hiện trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác đến thăm,  khảo sát thực tế tại các trường MN ngoài công lập ở Q.Liên Chiểu.   Ảnh: T.Đ

So với nhiều địa phương trong cả nước, tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, tỉ lệ trường MN ngoài công lập ở Đà Nẵng khá ấn tượng. Cụ thể, đã huy động hơn 70 ngàn trẻ ra lớp, đạt tỉ lệ 92,80%; Tỉ lệ trường MN ngoài công lập đạt 63%, trong khi mặt bằng chung của cả nước chỉ khoảng 20%. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, tuy dân số không đông nhưng Đà Nẵng rất năng động, có nhiều điểm sáng trong xã hội hóa giáo dục đối với bậc học mầm non. Mạng lưới trường lớp phát triển tốt và đa dạng, nhất là hệ thống trường ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, gửi trẻ của người dân. Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đánh giá cao tình hình đảm bảo an toàn tại các trường MN ở Đà Nẵng…

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh-Giám đốc Sở GD-ĐT TP, ngành GD-ĐT TP có thêm nhiều dự án lớn như Đề án Sữa học đường, đề án đồ chơi trang thiết bị cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên (năm nay tiếp tục cho trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn), đề án chỉnh sửa cơ sở vật chất; Đà Nẵng cũng có nhiều thuận lợi vì có một số mô hình GD nước ngoài như Mỹ, Singapore, Nhật (đặc biệt là Nhật) đang phát triển mạnh. Công tác truyền thông, công tác thi đua khen thưởng, công tác kiểm tra công nhận thi đua ở Đà Nẵng không phân biệt trường công hay trường tư. Chính điều này đã tạo động lực để hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh, giảm áp lực cho các trường công lập...

Bên cạnh việc ghi nhận những điểm sáng nói trên, các thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành cũng cho rằng, dù có đến 6 KCN đang hoạt động, nhưng  qua khảo sát, việc xây dựng nhà ở cho công nhân, trường MN dành cho con em đang làm việc tại các KCN ở Đà Nẵng chưa thực hiện  (ngoại trừ Trung tâm MN OneSky- Đà Nẵng có yếu tố nước ngoài đầu tư). Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, toàn quốc hiện chỉ có 2% con em công nhân được gửi trẻ tại các KCN, trong khi đó có khoảng 2 triệu công nhân có nhu cầu gửi con gần KCN để yên tâm đi làm. Đây là một vấn đề bức xúc cần được quan tâm, tháo gỡ. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, các KCN ở Đà Nẵng tuy phát triển nhanh nhưng chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, không có những DN lớn để có ngân sách đầu tư xây dựng nhà ở, trường MN cho con em công nhân. Mặc khác, kinh phí đầu tư xây dựng trường tư thục khá lớn, nếu xây dựng và làm không tốt bằng các trường đã đang hoạt động thì sẽ rất khó cạnh tranh...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Đà Nẵng cần rà soát lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn, đặc biệt quan tâm hơn đến các trường MN gần KCN. Theo đó, đối với các KCN đã quy hoạch làm rồi thì nghiên cứu, điều chỉnh đảm bảo để xây dựng trường ngoài và gần KCN; đồng thời dồn các điểm trường lẻ, có lộ trình để tiến tới giảm dần số nhóm lớp độc lập tư thục...Thời gian tới, ngành GD-ĐT cần tiếp tục tham mưu cho TP có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa đối với GD...

P.THỦY