Cần rà soát lại quy hoạch đất bờ biển
Ngày 6-3, ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng làm việc với Sở TN-MT TP Đà Nẵng. Sau khi nghe báo cáo của Sở TN-MT, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, vấn đề quan trọng hiện nay trong quản lý đất đai là vấn đề quy hoạch, từ đó mới xác định được khả năng tiếp cận đất đai, sự minh bạch trong hồ sơ quản lý đất đai.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở TN-MT TP Đà Nẵng. |
Ông Trương Quang Nghĩa nêu ví dụ: “Tôi là nhà đầu tư, cần tìm quỹ đất để làm trường học, khách sạn, vậy thì cần phải hỏi ai ở thành phố, ai là người trả lời? Trả lời có được không, nếu không trả lời được thì thành phố có gì? Quy hoạch đất đai ở đâu? Sở Xây dựng làm gì? Sở TN-MT làm gì? Hoặc, bây giờ hỏi, Q. Hải Châu còn bao nhiêu lô đất trống, nếu không trả lời được thì làm sao có sự minh bạch, làm sao xúc tiến đầu tư... Có một vấn đề đang diễn ra, các nhà đầu tư rất khó tiếp xúc với đất đai, vấn đề này, đáng lẽ chỉ cần làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Công thương là mọi việc sẽ hoàn chỉnh, vì các sở này cần phải có số liệu chi tiết từ ngành TN-MT, Xây dựng... là những ngành quản lý về quy hoạch, đất đai...
Bí thư Thành ủy ví dụ tiếp, đề nghị ngành Xây dựng, TN-MT báo cáo về đất công trên địa bàn: “Các ngành này có báo cáo được không, nếu không báo cáo được thì không phải là “ông chủ” của thành phố này...”.
Theo báo cáo, hiện nay thành phố đã có bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500, 1/2.000, tại sao vẫn không chỉ được đất, hay là chỉ làm hình thức...”. Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Xây dựng sắp tới cho xem bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500, 1/2.000. Cũng vấn đề quy hoạch, Bí thư Thành ủy thắc mắc: “Hòa Vang quản lý bằng số hóa, tại sao vẫn có khu dân cư gần khu công nghiệp, vẫn có tới 400 ha đất không sử dụng được...? Thành phố môi trường mà 2 nhà máy thép tồn tại gây ô nhiễm 9 năm, không xử lý được. Được biết trước đây Sở TN-MT đã không đồng ý cấp phép xây dựng nhà máy thép, nhưng tại sao vẫn “lọt”... Còn nhiều vấn đề khác như, hệ thống xử lý thoát nước cứ xây dựng xong là lỗi thời, rồi bất cập trong vấn đề thu gom rác thải... Tất cả là vấn đề quy hoạch chưa cụ thể, chi tiết.
Nhiều ý kiến của đại diện các sở, ban ngành thành phố tham gia trong công tác quản lý TN-MT. Đại diện Ban Đô thị HĐND thành phố nêu, hiện nay các điểm thu gom rác thải ở nhiều khu dân cư không có. Tiến độ trung tâm xử lý rác thải còn quá chậm. Vấn đề đấu giá đất không minh bạch, liên quan đến quy hoạch, vì đây là căn cứ pháp lý để đem ra đấu giá đất. Đại diện Ban Nội chính và Ủy ban kiểm tra Thành ủy nêu, thời gian qua vẫn còn một số cán bộ, đảng viên ngành TN-MT có biểu hiện nhũng nhiễu trong giải quyết về đất đai như ở Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang. Vấn đề các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, dễ gây mất ANTT. Đại diện Ban Tuyên giáoThành ủy nêu, vấn đề đánh giá đa dạng về sinh học Sơn Trà, hiện nay đã có quy hoạch chưa. Vấn đề hai nhà máy thép, đề nghị Sở TN-MT phải tham mưu dứt khoát với thành phố để giải quyết dứt điểm. Ngành TN-MT phải chú trọng đến nguồn nước dự trữ của thành phố tại sông Cu Đê...
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng nêu ý kiến, ngành TN-MT cần phải đi tham khảo một số địa phương khác để cải tiến về cách làm việc, vấn đề giải quyết thủ tục về đất đai. Ông cũng khẳng định, nhà đầu tư chỉ làm việc với Sở Kế hoạch đầu tư mà thôi, chứ không thể chỉ trỏ đi khắp sở nọ, ngành kia được... Theo ông Nguyễn Nho Trung - Thường trực HĐND thành phố, vấn đề quy hoạch, thành phố đã chi 250 tỷ đồng, nhưng hiện nay vướng mắc về vấn đề quy hoạch còn quá lớn, ví dụ như vấn đề quản lý tài nguyên, khoáng sản, vẫn chưa có quy hoạch cụ thể, thất thoát tài nguyên còn quá nhiều. Vấn đề giải tỏa, đền bù, tái định cư, còn tới 214 dự án vướng mắc. Vấn đề xử lý điểm nóng bãi rác Khánh Sơn, vấn đề xử lý nước thải còn nhiều phức tạp...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ rõ, thành phố sắp tổng kết 10 năm xây dựng thành phố môi trường, tại sao vẫn tồn tại hai nhà máy thép gây ô nhiễm, nó liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, việc dừng hoạt động 2 nhà máy thép, làm việc với doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Làm rõ các sai phạm về đất đai, phải giám sát được vấn đề này chặt chẽ. Nhiệm vụ của Sở TN-MT về vấn đề quản lý đất đai, phải có quy hoạch cụ thể, để có kế hoạch sử dụng đất. Vấn đề tài nguyên, nước, khoáng sản, cần sớm có báo cáo tổng thể, quy hoạch tổng thể, có biện pháp hạn chế khai thác, chú trọng vấn đề cấp phép. Vấn đề môi trường, không khí, nước, chất thải rắn, cũng phải có quy hoạch cụ thể, ví dụ: “Bờ biển Đà Nẵng, cần xây dựng bao nhiêu khách sạn là đủ, khu dân cư bao nhiêu hộ dân là đủ...”. Do vậy, phải nắm được hiện trạng, quy hoạch, từ đó có kế hoạch thu gom nước thải, rác thải... Làm sao đến năm 2020, phải đảm bảo Đà Nẵng có bờ biển sạch. Vấn đề xử lý rác thải rắn, mở rộng bãi rác hay chuyển nơi khác cần phải có biện pháp dứt điểm.
Bí thư Thành ủy cũng xác định một số nhiệm vụ cho ngành TN-MT trong thời gian tới, thành phố có chủ trương xây dựng đường đi bộ ven biển, Sở TN-MT cần rà soát lại quy hoạch đất bờ biển, chuẩn bị tổng kết 10 năm thành phố môi trường. Rà soát lại tất cả các điểm có thể gây ô nhiễm trên toàn thành phố, rà soát lại tổng thể quy hoạch kinh tế, xã hội, chú ý vấn đề đất không thể sử dụng, sản xuất ở Hòa Vang.
HỒNG THANH
----------------------------------------------------------------------------------------------
Sở TN-MT đã hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm
Tại buổi làm việc, ông Lê Quang Nam -Giám đốc Sở TN-MT đã báo cáo, năm 2017, Sở TN-MT đã hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm do UBND thành phố giao. Chương trình công tác về lĩnh vực TN-MT được hoàn thành theo kế hoạch, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố. Công tác quản lý nhà nước về đất đai có những bước tiến rõ rệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý TN-MT đã từng bước nâng cao, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai được chú trọng và kiện toàn, hướng đến việc cung cấp thông tin theo nhu cầu quản lý và người dân tiếp cận được thông tin đất đai; đất đai được khai thác đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đạt hiệu quả hơn. Công tác quản lý nhà nước về môi trường được nâng cao, đặc biệt là hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải, góp phần hoàn thành một số mục tiêu đề ra trong Đề án “xây dựng Đà Nẵng-thành phố môi trường”. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện kịp thời những hạn chế, sai phạm để tham mưu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm...
----------------------------------------------------------------------------------------------