Cần sớm chốt phương án thi THPT quốc gia 2020

Thứ năm, 16/04/2020 14:34

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra 2 kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo đó, nếu học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15-6, vẫn đủ thời gian chuẩn bị để học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi theo kế hoạch đã điều chỉnh (từ 8 đến11-8). Trong điều kiện, học sinh đi học lại sau ngày 15-6, bộ sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi phù hợp hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, các GD-ĐT cùng các nhà trường, dù chọn phương án nào, bộ cũng nên tính toán và công bố sớm để học sinh không bị động, chủ quan.

Các thí sinh Đà Nẵng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.   Ảnh: P.T

Vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia

Ông Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, bộ cần có nhiều phương án đối với kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi nên được giữ, nếu có thể. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ, thí sinh không thể đến điểm thi, mới nên thay thế bằng phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.

Theo ông Lê Viết Khuyến, một số quốc gia trên thế giới giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp đối với học sinh THPT, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục rất tốt, còn ở nước ta, bệnh thành tích còn nặng, để địa phương tự quyết định e rằng không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực. Đối với học sinh, ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: Các em không nên có tâm lý buông việc học, ngồi chờ khi nào bỏ thi. Trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học như hiện nay, gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa.

Đề cập đến quy định thi tốt nghiệp THPT, ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường sẽ do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT.

Giảm thiểu xáo trộn khi tuyển sinh đại học

Nhiều giáo viên chia sẻ: việc Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị các kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhằm tránh bị động là rất đúng đắn, đáp ứng mong đợi của các nhà trường. Tuy nhiên, với phương án nào, bộ cũng cần tính toán để công bố sớm, nhằm giúp các cơ sở giáo dục phổ thông có kế hoạch dạy học cũng như các trường đại học có kế hoạch tuyển sinh năm nay đảm bảo chất lượng.

Nhìn từ thực tế tuyển sinh của các trường, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cho rằng: Hiện nay, đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học sẽ lúng túng. Bởi, không nhiều trường có thể tổ chức một kỳ thi riêng, vì chi phí rất tốn kém. Trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường đại học có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.

Ông Ngọc cũng bày tỏ: Xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến nhưng sẽ có tình trạng "vàng thau lẫn lộn", khó đảm bảo chính xác và công bằng cho học sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp. Bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cũng cho rằng, trong điều kiện tốt nhất, việc tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm thiểu được những xáo trộn cho học sinh lớp 12 cũng như các cơ sở giáo dục đại học. Còn trong trường hợp không thể tổ chức thi, có phương án công nhận kết quả hoàn thành chương trình giáo dục THPT cho học sinh thì các trường đại học sẽ phải chủ động hơn trong phương án tuyển sinh và sớm thông tin đến thí sinh.

P.V