Cần sự công bằng và trách nhiệm
(Cadn.com.vn) - Nhiều năm trở lại đây, cứ đến mùa tựu trường, dư luận Đà Nẵng lại râm ran về nghịch cảnh thiếu- thừa trong công tác tuyển sinh đầu cấp của một số trường tiểu học, trung học cơ sở (TH, THCS), đặc biệt là địa bàn Q.Hải Châu. Để chấn chỉnh tình trạng này, TP và ngành GD-ĐT đã đưa ra nhiều biện pháp. Tuy nhiên, xem ra vẫn... khó thực hiện triệt để.
“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Có thể nói như vậy về công tác tuyển sinh đầu cấp bậc TH và THCS tại Đà Nẵng. Trong khi các trường TH như Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng, Phan Thanh, THCS Trưng Vương luôn ở trong tình trạng “quá tải”, dẫn đến việc không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức học bán trú cho HS, phải sử dụng các phòng chức năng để làm chỗ học, thì các trường như Võ Thị Sáu, Lê Đình Chinh..., dù điều kiện cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện lại luôn “đỏ mắt” chờ phụ huynh (PH) đăng ký cho con vào học dù số lượng HS đến độ tuổi ra lớp đáp ứng với chỉ tiêu tuyển sinh đã được ấn định trong năm học này (số liệu điều tra phổ cập GD).
Nguyên nhân dẫn đến nghịch cảnh thiếu- thừa trên là do tình trạng “chạy trường”, “lách hộ khẩu” vào các trường trung tâm. Minh chứng là, HS trái tuyến đang theo học tại Trường TH Phù Đổng trong năm học 2012-2013 là có đến gần 1.600 HS trái tuyến/3.000 HS toàn trường; Trường TH Hoàng Văn Thụ HS trái tuyến chiếm 1/3 tổng số HS... Việc HS học trái tuyến gây nên tình trạng quá tải cho các trường trung tâm đã dẫn đến việc tổ chức học 2 buổi/ngày đối với các trường này ngày càng trở nên khó thực hiện hơn... Trước thực trạng trên, TP đã chỉ đạo đối với trường hợp HS ở khác tuyến nộp đơn vào các trường “tốp trên” như TH Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, THCS Trưng Vương... phải lập danh sách trình UBND TP xem xét.
Thực trạng HS học trái tuyến trái quy định đã dẫn đến sĩ số lớp của các trường trung tâm luôn vượt quá quy định chuẩn do Bộ GD-ĐT, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiếp thu bài giảng của HS. (Ảnh có tính chất minh họa). Ả |
Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 tổ chức ngày 6-8 vừa qua, vấn đề này đã được Phó Chủ tịch UBND TPĐN Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: sở dĩ nghịch cảnh thiếu-thừa trong công tác tuyển sinh đầu cấp chưa được giải quyết dứt điểm là do hiệu trưởng các trường tiểu học “tốp trên” cũng như lãnh đạo địa phương chưa thực sự làm quyết liệt. Trước một số ý kiến cho rằng, TP nên giao lại quyền tuyển sinh đối với các trường “tốp trên” về lại cho trường, cho quận quản lý như trước đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Anh đặt vấn đề: liệu lãnh đạo quận, hiệu trưởng các trường này có dám đứng ra nhận trách nhiệm nếu còn để xảy ra tình trạng lách hộ khẩu, “chạy” trường gây quá tải hay không?. Lại một lần nữa, vấn đề trách nhiệm đối với người đứng đầu, đối với người làm công tác quản lý Nhà nước được đặt ra.
Rõ ràng, thực trạng HS học trái tuyến trái quy định ai cũng nhìn ra. Nhưng, khi bắt tay vào để giải quyết thì “đụng” nhiều vấn đề. Theo quan điểm của PH và xã hội, việc có trường thì tuyển sinh quá tải, trường thì “èo uột” đầu vào là do chất lượng đào tạo giữa các trường có sự chênh lệch lớn. Trong khi đó, tâm lý của hầu hết PH đều mong muốn con em được học ở một ngôi trường có môi trường sư phạm và chất lượng đào tạo tốt. Đây là nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của PH cũng như của người học. Từ quan điểm và cách nhìn nhận đó nảy sinh chuyện “chạy trường” theo hộ khẩu...
Đứng về góc độ nhà quản lý GD và các thầy cô có tâm huyết với nghề, yêu trẻ, thì quan điểm trên là chưa thật sự công bằng đối với ngành GD. Không ít giáo viên, nhà quản lý GD khi được hỏi về vấn đề này đã bức xúc phát biểu: “Có bột mới gột nên hồ. Nếu PH nào cũng tìm cách để chuyển con em về trường điểm trung tâm, còn lại những HS yếu, kém, cha mẹ vì cuộc sống khó khăn phó thác sự học cho nhà trường, thì dù GV có giỏi đến đâu cũng không thể vực lên nỗi chất lượng”. Bên cạnh việc “chạy trường” do quan điểm về chất lượng GD, yếu tố góp phần không nhỏ cho thực trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” trong công tác tuyển sinh đầu cấp ở một số trường nằm ở Q.Hải Châu, Thanh Khê còn phải kể đến “hiệu ứng” của sự a-dua, chạy theo “số đông” của một bộ phận nhỏ PH...
Có thể nói, để giải bài toán về thực trạng “chạy trường”, HS học trái tuyến trái quy định ở Đà Nẵng, ngoài việc phải giải cho được bài toán về sự đồng đều chất lượng GD, đầu tư cơ sở vật chất cũng như mỗi trường cần phải có cách làm hiệu quả trong việc nâng cao uy tín, tạo dựng “thương hiệu”... vấn đề cốt lõi là những người đứng đầu, những người có trách nhiệm trong công tác quản lý GD phải thực sự quyết liệt, phải nói “không” với HS trái tuyến, đặc biệt phải có sự công tâm, công bằng trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Nếu không có sự công bằng, thì sự quyết liệt cũng sẽ là nửa vời. Bởi có một thực tế đã ăn sâu trong cách nghĩ, cách làm của người Việt Nam nói chung, người miền Trung nói riêng đó là cơ chế “xin- cho”. Một khi có “xin”, có “cho” vẫn còn hiện hữu trong đời sống, sinh hoạt và trong xử lý công việc, ắt hẳn sẽ nảy sinh ra hiện tượng thiếu công bằng, minh bạch. Điều này sẽ tạo cơ hội, tạo kẽ hở để một bộ phận không nhỏ những người có liên quan, có nhu cầu để “lách” nhằm đạt mục tiêu cho con em vào học những trường được xếp là “trường điểm”, “trường chọn”.
P.T