Cần sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự

Thứ sáu, 12/09/2014 06:40

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”. Tham gia phiên giải trình có đại diện lãnh đạo Bộ CA, Bộ QP, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Báo cáo với Ủy ban Tư pháp, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ CA cho biết hiện tượng bức cung, dùng nhục hình vẫn còn xảy ra ở cơ quan điều tra chuyên trách của công an một số địa phương, đơn vị. Trên cơ sở nhận diện nguyên nhân của những hạn chế, Bộ CA đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, bảo đảm việc thu thập, đánh giá, kiểm tra, sử dụng chứng cứ được khách quan, toàn diện.

Theo Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong, nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật liên quan đến công tác điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất dẫn đến nhận thức không đầy đủ, khó khăn trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đặc biệt là giám định phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Trong khi đó, năng lực, trình độ và kinh nghiệm của một số điều tra viên, kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu công tác, đặc biệt là đối với những vụ án phức tạp, thủ đoạn phạm tội mới. Có cán bộ còn chủ quan, thiếu thận trọng, chưa làm hết trách nhiệm trong điều tra, kiểm sát để bảo đảm việc điều tra khách quan, toàn diện, phiến diện trong đánh giá chứng cứ...

Tại phiên giải trình, TAND tối cao kiến nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Người bào chữa phải được tham gia ngay từ khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng; bỏ quy định về Giấy chứng nhận bào chữa vì về bản chất quyền được nhờ người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng tính hình thức. Đồng thời tăng mức hình phạt đối với tội bức cung, dùng nhục hình, xem xét việc ghi hình, ghi tiếng khi hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng.

Quỳnh Hoa