Cần sửa đổi đồng bộ Luật Tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng

Thứ ba, 17/10/2017 09:34

ĐÀ NẴNG- Chiều 16-10, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến  góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD). Hội nghị do ông Nguyễn Bá Sơn- Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan, các ngân  hàng, các TCTD trên địa bàn TP.

Các đại biểu góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD).

Phát biểu góp ý tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu (ĐB) đều nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD nhằm xử lý một số vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay. ĐB Tạ Tự Bình (Sở Tư pháp) và ĐB Trần Minh Khiết (Hội Luật gia) cho rằng, tại Điều 151 của dự thảo Luật quy định về chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt còn quá chung chung, khó thực hiện và đề nghị cần quy  định rõ hơn, cụ thể hơn. Góp ý đối với điều 130a về áp dụng can thiệp sớm  đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ĐB Khiết  đồng tình với việc bổ sung quy định này vào dự thảo nhưng còn băn khoăn vì sao chỉ can thiệp sớm đối với  TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không thực hiện đối với TCTD trong nước vì bất cứ một TCTD nào (trong nước hay ngoài nước tại Việt Nam)  nếu bị đặt vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt  đều cũng dẫn đến những ảnh hưởng lan truyền  đến các TCTD khác, gây tác động xấu đến  môi trường tín dụng, tài chính. Góp ý  điều 145 về trường hợp  đặt TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt, ĐB Khiết cho rằng trong thực tế, không TCTD nào  muốn rơi vào  nguy cơ  mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán để dẫn đến  bị đưa vào kiểm soát đặc biệt, do vậy trong điều này cần nghiên cứu bổ sung việc ghi nhận các biện pháp  ưu tiên và khuyến khích  các TCTD  báo cáo với Ngân hàng Nhà nước  các nguy cơ  nói trên, đồng thời đề nghị bổ sung chế tài đối với các TCTD  cố tình che giấu, không báo cáo các nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Theo ĐB khiết, vấn đề chế tài nên quy định trong nghị định của Chính phủ, không cần thiết phải đưa vào Luật. ĐB Trần Đình Quảng (TAND TP) cho rằng, sửa đổi Luật các TCTD cần cùng sửa đổi Luật Ngân hàng nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn các hoạt động tín dụng, tài chính, hạn chế các tình trạng nợ đọng, nợ xấu, tín dụng tăng nóng... khiến nhiều ngân hàng yếu kém phải ra tòa như thời gian qua.

Ý kiến một số ĐB tại hội nghị cũng đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về vấn đề cảnh báo sớm, vì những cảnh báo này rất quan trọng đối với những đối tác liên quan trước khi quyết định các giao dịch. Một số ĐB cho rằng việc đưa các TCTD vào kiểm soát đặc biệt phải xuất phát từ chính tình trạng của tổ chức đó, việc ai đề nghị chỉ là thẩm quyền và thủ tục, không phải là căn cứ để xem xét, quyết định đưa các TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Bá Sơn cảm ơn ý kiến góp ý của các đại ĐB và cho biết Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng sẽ tiếp thu, tập hợp để báo cáo ban soạn thảo và sẽ tham gia góp ý tại các phiên họp của Quốc hội nhằm đảm bảo Luật ban hành đáp ứng yêu cầu thực tế đang đặt ra.

K.T