Cần sửa đổi Luật để giáo dục phát triển

Thứ bảy, 09/12/2017 11:47

Ngày 8-12, tại Đà Nẵng, Đoàn làm việc của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì hai hội thảo về góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD) và Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng cho thấy tính cấp bách của việc sửa đổi, bổ sung Luật GD, Luật GDĐH hiện hành, nhằm tạo điều kiện để GD-ĐT Việt Nam phát triển, đáp ứng với xu thế hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo.

Xác định rõ hơn vai trò Chủ tịch Hội đồng trường

Mặc dù Bộ GD-ĐT đưa ra 15 vấn đề cần thảo luận, góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH, nhưng phần lớn đại biểu đến từ các trường ĐH chỉ tập trung đóng góp một số ý kiến xung quanh các vấn đề: Cần làm rõ hơn nữa vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường (HĐT); có sự thống nhất học phần của chương trình đào tạo liên thông; phân tầng xếp hạng cơ sở GDĐH, có cơ chế mở về chế độ phụ cấp của khối hành chính trong các trường ĐH; quan tâm và có chế độ với các trường ĐH đào tạo đặc thù như nghệ thuật, âm nhạc...

Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Huế (ĐH Huế) cho rằng, cần làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch HĐT. Đồng tình ý kiến này, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nghệ thuật Huế nêu ý kiến, Chủ tịch HĐT phải có quyền lực, nếu không sẽ rơi vào “hữu danh vô thực”. Theo đó, Chủ tịch HĐT nên là người trong Ban giám hiệu hoặc là Bí thư nhà trường. Liên quan đến vấn đề thành lập HĐT trong các trường ĐH, theo ý kiến lãnh đạo Học viện Âm nhạc Huế, hiện nay vẫn còn rất nhiều trường ĐH né tránh vấn đề này. Thậm chí, không ít trường ĐH đến nay vẫn chưa thành lập HĐT, nhưng lại chưa có chế tài để xử lý. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính là do hiệu quả của việc thành lập HĐT chưa cao, Ban lãnh đạo các trường này chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này. Ông Phạm Sỹ Hùng- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tài Chính Kế toán Quảng Ngãi - bổ sung thêm, HĐT phải là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường ĐH. Theo đó, HĐT phải đảm bảo tính độc lập và phải thể hiện được năng lực của mình.

Liên quan đến vấn đề tự chủ ĐH, ông Phạm Sỹ Hùng đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH lần này. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị, đối với vấn đề phân tầng cơ sở GDĐH nên điều chỉnh theo hướng “cơ sở GDĐH tự xác định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng phù hợp với điều kiện cơ sở ĐH và nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn phát triển”. Ngoài ra, có khá nhiều ý kiến trái chiều đối với dự thảo về sửa đổi ĐH chính quy, không chính quy thành ĐH tập trung, không tập trung. Đại diện trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề, nếu đổi thuật ngữ này thì xem xét như thế nào đối với hệ vừa học vừa làm, bởi tối đến họ vẫn đến trường học tập trung...  

Bất cập về khái niệm Nhà giáo 

Trong phần thảo luận, góp ý sửa đổi, bổ sung đối với Luật GD, các đại biểu đại diện 10 Sở GD-ĐT từ Nghệ An đến Phú Yên đánh giá khá cao Dự thảo sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách tiền lương, nâng chuẩn trình độ với giáo viên bậc Tiểu học và miễn học phí ở bậc THCS. Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương sẽ góp phần thu hút người giỏi theo học ngành Sư phạm, bởi thực tế hiện rất ít người học giỏi đăng ký vào ngành này.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần xem lại khái niệm về Nhà giáo, bởi có một thực tế bất cập hiện nay là nhiều giáo viên giỏi sau một thời gian đứng trên bục giảng được ngành GD-ĐT rút về làm cán bộ quản lý hoặc chuyên viên ở Phòng, Sở thì lại không còn được hưởng các chế độ như Nhà giáo nữa. Không chỉ có thế,  họ bị chịu thiệt thòi trong việc bầu chọn danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Chính những bất cập này khiến không ít nhà giáo tâm huyết, giỏi chuyên môn không mặn mà khi được điều động lên làm công tác quản lý, chuyên viên tại các Phòng, Sở GD-ĐT.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung đối với vấn đề nâng chuẩn giáo viên Tiểu học, hầu hết các đại biểu cho rằng, đây là điều cần thiết. Không chỉ có thế, các đại biểu cũng đề nghị cần phải nâng chuẩn đối với GV bậc Mầm non, bởi đây là bậc học rất quan trọng, cần có con người giảng dạy tốt nhất, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, việc nâng chuẩn cần phải có lộ trình.

PHAN THỦY