Cần thẩm định và bảo vệ giếng cổ Tân Thái

Thứ sáu, 16/03/2018 12:00

Tại kiệt K75- Trương Định, thuộc tổ 14, P.Mân Thái, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng có một cái giếng cổ không phải của người Chăm mà là của người Đại Việt. Theo lời kể của các cụ thuở trước được lưu truyền lại thì ngày xưa, làng chài Tân An, P.Mân Thái bây giờ là một bãi cát hoang, dân cư thưa thớt. Vì cư dân sinh tồn ven biển, không có nước ngọt để phục vụ đời sống con người nên một người đàn bà của làng Tân An luống tuổi, không có chồng con tên là Phạm Thị Học đã nghĩ ra việc đào giếng để lấy nước uống. Hàng ngày một mình bà cơm đùm, cơm gói đi bộ lên núi Trường Định lấy đá mang về xây giếng. Có nước ngọt dùng, dân làng chài Tân An vô cùng biết ơn công lao bà Học...

Cụ Thể bên chiếc giếng cổ.

Theo cụ Đinh Văn Thể (81 tuổi), nhà ở cạnh giếng cho biết khi cụ sinh ra và lớn lên chừng 4-5 tuổi đã thấy cái giếng đó rồi. Trải qua nhiều thế hệ trong gia đình, ông được người nhà truyền lại là ở ngay tại khu vực  cái giếng này ngày trước chỉ có duy nhất ngôi nhà của ông tổ ngoại mà thôi. Ông tổ sinh ra ông Hương Thầy là ông cố ngoại của cụ và sinh sống bằng nghề chài lưới ven bờ và do ở lẻ loi, đơn chiếc nên ông tổ đã đào một cái giếng bên cạnh nhà để múc nước ăn uống, tắm giặt. Khi ông Hương Thầy tuổi đã cao, sức yếu lâm bệnh nặng qua đời để lại ngôi nhà và cái giếng cho người con trai là ông Pháp Phu, cha ruột mẹ của cụ và cuối cùng cái giếng cổ trở thành giếng của làng. Giếng có đường kính chừng 1,5 mét, thành giếng cao 0,5 mét, dày 0,2 mét, miệng được xây bằng gạch thẻ hình tròn, thân giếng xây bằng đá hình vuông, rêu phong phủ bám, sâu hơn chục mét.

Nước giếng luôn trong, mát nên dân làng đều tập trung về đây múc nước về dùng dần. Đến năm 1903, triều Nguyễn, do vua Thành Thái  trị vì đổi tên làng Tân An thành làng Tân Thái và tên gọi giếng cổ cũng theo tên của làng. Rồi theo thời gian, người ở khắp nơi tìm tới làng chài Tân Thái dựng nhà, đan lưới, sắm ghe, bám biển  để sinh tồn và khu đất có cái giếng ấy cũng mọc lên  không ít nhà cửa của người dân. Do nhu cầu sử dụng giếng nên ai nấy dựng nhà cũng phải chừa một khoảng đất trống để làm lối đi lấy nước nên đã tạo thành một con kiệt của làng. Giếng cổ Tân Thái được người dân trong làng sử dụng từ đời này sang đời khác mãi cho đến khi làng Tân Thái có nước máy chừng hơn 20 năm nay thì “sứ mệnh” về cái giếng cổ này coi như đã hoàn thành bởi không còn ai sử dụng nữa. 

Như vậy, ngoài việc truyền miệng về một người đàn bà độc thân tên Phạm Thị Học nào đó có công lao xây giếng cho dân làng ra còn có câu chuyện của cụ Đinh Văn Thể cho rằng giếng do ông tổ ngoại mình đào? Nếu tính từ đời cụ Thể  đến ông tổ thì đã trải qua năm  đời mà cụ Thể bây giờ đã ngoài 80 tuổi thì giếng làng Tân Thái có niên đại ít nhất cũng từ 170-200 năm. Hiện tại, giếng được người dân lấp đất gần bằng với mặt nền con kiệt nên không có nước, lại không có thành, tọa lạc sát lề kiệt, không được che chắn cẩn thận nên cũng nguy hiểm cho việc đi lại, nhất là xe cộ ban đêm. Một số người dân nơi đây cho biết, họ không dám đập bỏ hoặc lấp kín giếng bởi “ngài” rất linh thiêng, thỉnh thoảng ban đêm có người còn thắp hương vái lạy trước miệng giếng! Tuy chưa có căn cứ chắc chắn rằng giếng do bà Phạm Thị Học nào đó hay ông tổ của cụ Thể đào, bởi không ai biết chính xác giếng Tân Thái được xây dựng từ năm nào nhưng hiện nay nó đã nằm trong danh sách hiện vật cổ trên địa bàn Q.Sơn Trà do ngành văn hóa quản lý. Rõ ràng đây là một giếng cổ đã tồn tại lâu đời nên cần phải có sự thẩm định, đánh giá của các nhà khảo cổ học để có biện pháp khẩn cấp bảo vệ,  giữ gìn di sản quý báu của tiền nhân để lại cho cháu con.

THÁI MỸ