Cần thiết hoàn thiện pháp luật tố tụng lao động

Thứ sáu, 11/09/2015 10:58

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-9, tại TPHCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và tham vấn về quy định tố tụng lao động trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)” khu vực phía Nam.

Các đại biểu cho rằng, tranh chấp lao động đang có xu hướng tăng, trong khi các thiết chế thương lượng, hòa giải, trọng tài hoạt động hiệu quả còn hạn chế, nên việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật tố tụng lao động là cần thiết. Hiện nay, các tiêu chuẩn lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam còn thấp hoặc chưa phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế như tiền lương chỉ đáp ứng khoảng hơn 70% nhu cầu sống tối thiểu; điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động còn hạn chế; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... còn diễn ra khá phổ biến, dễ dẫn đến các tranh chấp lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong quan hệ lao động, người lao động có vị trí không bình đẳng.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, các giai đoạn trước tố tụng lao động có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa tranh chấp xảy ra và tố tụng lao động chỉ là công đoạn cuối cùng trong hệ thống giải quyết tranh chấp về lao động khi việc giải quyết ở các giai đoạn trước không hiệu quả. Trong quan hệ lao động, người lao động có vị trí không bình đẳng, yếu thế hơn về mặt tài chính và quyền lực quản lý so với người sử dụng lao động, vì vậy các quy định pháp lý về tố tụng lao động cần có sự khác biệt so với tố tụng dân sự.

Cùng quan điểm trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, khi tham gia tố tụng trong vụ án lao động, người lao động bị hạn chế trong việc chứng minh và cung cấp chứng cứ. Nguồn chứng cứ chứa đựng thông tin về diễn biến quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên và các nguồn thông tin, đều do người sử dụng lao động quản lý. Trong nhiều trường hợp, người lao động không có cơ hội để có được những nguồn chứng cứ đó, dẫn đến cần có những quy định đặc thù về nghĩa vụ chứng minh trong việc giải quyết các tranh chấp lao động. Kinh nghiệm nhiều nước là chuyển nghĩa vụ chứng minh của người lao động sang phía người sử dụng lao động, nghĩa là người sử dụng lao động phải đưa ra các bằng chứng chứng minh mình không vi phạm.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận xung quanh việc xây dựng quy định về tố tụng lao động trong Bộ luật Tố tụng dân sự của Việt Nam; vai trò đại diện của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong tranh chấp lao động; giải quyết tranh chấp lao động từ thực tiễn một số doanh nghiệp.

Theo TTXVN