Cần thiết phải xây dựng Trung tâm Tim mạch tại Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Với đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với nghề, năng động, cộng với trang thiết bị tối tân, Hệ thống Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) hiện đại nhất thế giới, trong thời gian qua, Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng đã góp phần cứu chữa thành công hàng ngàn người bệnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên mắc các bệnh tim mạch phức tạp. Tuy nhiên, trước nhu cầu điều trị bệnh tim của người dân ngày càng gia tăng, đòi hỏi TP Đà Nẵng cần có một Trung tâm Tim mạch để phát triển chuyên sâu hơn nữa...
Đội ngũ y, bác sỹ Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch cho bệnh nhi sơ sinh mắc tim bẩm sinh. |
Năm 2002, Bệnh viện Đà Nẵng gửi các nhóm bác sỹ, điều dưỡng đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại các trung tâm tim mạch hàng đầu trong nước và quốc tế. Đến năm 2006, Đơn vị Tim mạch ra đời (nay là Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch). Với đội ngũ 27 người, gồm 1 BSCS II, 5 thạc sỹ y khóa, 1 BSCKI và 2 bác sỹ, 1 cử nhân điều dưỡng, 16 điều dưỡng, 2 hộ lý cùng với trang thiết bị, máy móc hiện đại, trong những năm qua, Khoa đã cứu chữa thành công hàng ngàn bệnh nhân, trong đó 81% là bệnh tim bẩm sinh và 19% là bệnh tim mắc phải.
Đặc biệt, số bệnh nhi dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 40%. Đã tiến hành phẫu thuật tim hở cho gần 1.000 trường hợp, với tỷ lệ thành công cao và hạn chế thấp nhất các biến chứng. Đặc biệt, từ khi tiếp nhận hai Hệ thống Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) hiện đại nhất thế giới, Khoa đã không những có thể tự đảm nhiệm việc điều trị cho hầu hết các bệnh tim thông thường mà còn có thể phẫu thuật nhiều loại bệnh tim phức tạp khác. Ngoài ra, Khoa còn chịu trách nhiệm điều trị hợp lý các bệnh lý tim mạch, như: vết thương và chấn thương tim cũng như mạch máu.
Song song với phẫu thuật thì can thiệp tim mạch cho bệnh tim bẩm sinh trở thành thế mạnh của Khoa. Đây là phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới được phát triển mạnh trong những năm gần đây với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp phẫu thuật tim hở kinh điển nhờ đảm bảo tính thẩm định do không để lại sẹo, độ an toàn cho người bệnh rất cao, thời gian phục hồi trong điều trị nhanh chóng...
Đặc biệt, Khoa đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh tim bẩm sinh dưới 10kg. Gần đây, Khoa còn thực hiện thành công can thiệp cho trẻ bệnh tim sơ sinh và trẻ nhỏ có trọng lượng dưới 4 kg, can thiệp cho các trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi dưới 2kg, kỹ thuật thay động mạch chủ qua da trong trường hợp hẹp khít động mạch, can thiệp bằng stent graft cho các trường hợp bị phình bóc tách động mạch chủ, can thiệp mạch não trong trường hợp dị dạng hay phình mạch não...
Do trình độ chuyên môn ngày một tốt, các bác sỹ đã tiếp cận được nhiều phương cách chẩn đoán nước ngoài và làm chủ hầu hết các kỹ thuật mổ hiện đại nên những năm gần đây số ca bệnh tim bẩm sinh phức tạp tìm đến Khoa ngày càng nhiều. Nếu như năm 2009, Khoa chỉ thực hiện 571 ca phẫu thuật – can thiệp tim mạch thì năm 2013 con số đó đã lên 1.697 và 6 tháng đầu năm 2014 đã thực hiện cho 972 ca.
Thế nhưng điều tréo ngoe ở đây là dù có đầy đủ cơ sở để phát triển nhưng Khoa vẫn chưa thể làm được nhiều hơn vì cơ sở vật chất không đáp ứng. Hiện tại Khoa có 35 giường nhưng nhu cầu điều trị của bệnh nhân trong khu vực lại rất lớn nên thường xuyên quá tải. Khoa cũng chỉ có một phòng mổ, nếu mổ ca nhẹ, mất 2 - 3 giờ/ca, còn mổ ca nặng phải mất 8 - 10 giờ...
Trong những năm qua, các thầy thuốc Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bệnh tim, trong đó phần lớn là trẻ em. Tuy nhiên, không thể thống kê có bao nhiêu người mắc bệnh tim tại khu vực miền Trung–Tây Nguyên mất đi cơ hội sống vì Khoa không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh vì thiếu phòng, cơ sở vật chất để thu dung bệnh.
Vì thế việc ra đời một Trung tâm tim mạch tại Bệnh viện Đà Nẵng để phát triển kỹ thuật chuyên sâu hơn nữa là rất cần thiết. Mới đây, trong buổi làm việc với Bệnh viện Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã đồng ý về chủ trương và giao cho Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT lập đề án để tính toán xây dựng Trung tâm tim mạch tại BV Đà Nẵng.
Theo BSCKII Trần Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, trong thời gian tới, BV tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo, hợp tác và chuyển giao kỹ thuật để có thể đáp ứng yêu cầu điệu trị, phẫu thuật và can thiệp tim mạch tốt nhất các bệnh tim bẩm sinh và mắc phải cho người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Việc xây dựng Trung tâm Tim mạch tại Bệnh viện vừa góp phần rất lớn trong việc giảm quá tải, vừa là điều kiện thuận lợi để các bác sỹ phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng nhu cầu điều trị và mổ tim của bệnh nhân.
Trí Dũng